Sớm triển khai phân cấp quản lý quốc lộ cho địa phương

17:04' - 03/07/2024
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan cần nhanh chóng triển khai các bước theo quy trình để thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ cho các tỉnh, thành.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 3/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan cần nhanh chóng triển khai các bước theo quy trình để thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ cho các tỉnh, thành ngay sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực.

 

Xác định 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ của ngành giao thông còn rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc, Nghị định thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, hoàn thành trình trước ngày 15/8/2024.

Đối với công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chuyên ngành tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng, bến, nhà ga phục vụ hành khách; phối hợp với địa phương bảo đảm đầy đủ phương tiện phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm hè, dịp nghỉ lễ mùng 2/9, tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đặc biệt, phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ an ninh, an toàn hàng không, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn tới sự cố uy hiếp an ninh an toàn hàng không. Bộ trưởng cũng yêu cầu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định; quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng slot của các hãng hàng không.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, 6 tháng đầu năm, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải đã đoàn kết cố gắng bám sát nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá.

Luật Đường bộ đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những kết quả nổi bật nhất của Bộ Giao thông Vận tải trong 6 tháng đầu năm”, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải Uông Việt Dũng nhấn mạnh tại báo cáo kết quả nhiệm vụ công tác.

6 tháng đầu năm, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt; trong đó có 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau trong năm 2025. Tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm cơ bản được đảm bảo, đáp ứng theo yêu cầu của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng.

Theo đó, về đường bộ, một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng; đã lựa chọn được nhà đầu tư 5/8 trạm dừng nghỉ; đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

“Với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, định kỳ, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời các giải pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm nguồn cung vật liệu các dự án”, Chánh Văn phòng Bộ thông tin.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh Nghị quyết số 273 về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải tích cực phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc do các địa phương là cơ quan chủ quản.

Bộ Giao thông Vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, yêu cầu huy động tối đa nguồn lực, máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “dự án sau phải nhanh hơn, tốt hơn, đồng bộ hơn dự án trước”.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, công điện gửi các địa phương, các chủ thể tham gia dự án thúc đẩy giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu; đồng thời, thường xuyên theo dõi, báo cáo, đề xuất kịp thời nhiều giải pháp tăng cường cung ứng nguồn vật liệu cát đắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Về giải ngân vốn đầu tư công, “với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn 61,9 nghìn tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, Chánh văn phòng Uông Việt Dũng khẳng định.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã giao chi tiết kế hoạch vốn qua 3 đợt, đã duyệt quyết toán 13/42 dự án với tổng giá trị 6.275 tỷ đồng. Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm là 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch giao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục