Sống xanh từ những chuyến du lịch

07:02' - 28/01/2020
BNEWS Chuyến du lịch xanh không chỉ giúp du khách có những trải nghiệm thực tế mà còn hướng họ cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của chuyến đi.

“Hòa mình giữa cảnh sắc thơ mộng của vịnh Hạ Long và cùng nhau thử thách không sử dụng đồ nhựa trong suốt chuyến hành trình du lịch trên tàu là những kỷ niệm đáng nhớ. Không sử dụng hay mua những sản phẩm bằng nhựa, dù ít nhưng phần nào tạo nên ý thức chung giúp cho chuyến đi thêm xanh và có nghĩa”. Chị Nguyễn Phương Duyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ sau một chuyến du lịch vịnh Hạ Long bằng tàu của Bhaya Cruises.

Chiến dịch dọn rác trên biển ở vịnh Hạ Long của Bhaya Cruises. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Cảm nhận của chị Duyên cũng là cảm nhận của nhiều du khách khi tham gia một chuyến du lịch xanh. Điều đặc biệt của những chuyến du lịch không chỉ là khoảnh khắc vui cùng người thân, bạn bè mà còn là những giá trị tốt đẹp cho xã hội ở những nơi du khách đặt chân đến.

* Sống xanh từ những chuyến du lịch

Trên thế giới, Maldives là điểm du lịch điển hình đang thực hiện khá tốt mô hình du lịch xanh. Maldives đang nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải cac-bon và chi phí phát điện như nguồn năng lượng gió, mặt trời.

Theo kế hoạch đến năm 2030, quốc gia này sẽ thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng cac-bon trung tính.

Trước mắt, hầu hết resort trên các đảo của Maldives đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch.

Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng được chú trọng phát triển. Ảnh: TTXVN

Tại Việt Nam, mô hình du lịch xanh cũng đã xuất hiện nhiều hơn trong một vài năm gần đây. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng “ Làng quê Yên Đức”. Đây là một mô hình du lịch thuần nông tại Đông Triều, Quảng Ninh của một doanh nghiệp đầu tư dựa trên nhu cầu của khách hàng. Khi đến đây, khách du lịch được về với một làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ, được thưởng thức không khí trong lành, và làm người nông dân đi cấy, đi bắt cá, được tự tay tham gia quá trình chế biến gạo, trồng và thu hoạch rau màu...

Hay với mô hình sinh thái miệt vườn tại Cần Thơ, du khách sẽ được tham quan vườn Ca Cao, được tự tay thu hoạch, tham gia vào một công đoạn chế biến và thưởng thức cũng như hiểu thêm về quá trình chế biến ca cao… Sau những trải nghiệm thú vị du khách lại được hướng dẫn chế biến những đặc sản của sông nước miền Tây và thưởng thức những giá trị ẩm thực đặc sắc.

Theo ông Trần Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Cộng đồng, những năm qua, loại hình du lịch xanh đã tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng, nhất là những nơi có các khu bảo tồn tự nhiên, các di tích, danh lam và các cảnh quan độc đáo, hấp dẫn. Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, du lịch xanh còn được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên trong hoạt động du lịch...

Mô hình du lịch xanh không chỉ xuất hiện ở các địa phương, khu du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã nhận thấy lợi ích của du lịch xanh.

Một trong những đơn vị tiên phong về bảo vệ môi trường, nhà điều hành tàu lớn nhất tại Vịnh Hạ Long với 17 tàu du lịch, Bhaya Cruises đã đưa các hoạt động môi trường vào những chuyến du lịch mà doanh nghiệp cung cấp.

Với chiến dịch “không đồ dùng nhựa” được áp dụng trên tất cả các tàu Bhaya, ưu tiên hàng đầu của Bhaya Cruises là thay thế các chai nước nhựa dùng một lần bằng các chai đựng nước bằng tre hoặc nhôm để du khách có thể sử dụng nhiều lần trong suốt hành trình. Tại nhà chờ của Bhaya Cruises và trên tất cả các tàu đều được trang bị các cây lọc nước tự động để du khách có thể uống tại chỗ hoặc đổ đầy bình nước họ mang theo.

Chiến dịch không dùng đồ nhựa của Bhaya Cruises. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Hầu hết hành khách khá hài lòng với chiến dịch xanh của Bhaya và họ còn rất thích thú khi dùng các chai nước bằng tre/nhôm được trang bị trong các cabin. Thậm chí, một số công ty lữ hành ở nước ngoài muốn mua các chai nước này cho du khách làm quà lưu niệm. Những kết quả đạt được từ chiến dịch này cho thấy tính khả quan và trong tương lai, Bhaya sẽ tiếp tục triển khai các dự án khả thi giúp cải thiện và bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.

Bà Jurairat Povibool, Phó chủ tịch HG Holdings (Tập đoàn sở hữu Bhaya Cruises) chia sẻ:

“Không có thiên nhiên thì không có du lịch. Hầu hết các đơn vị điều hành tàu du lịch không nhận ra điểm quan trọng này. Theo tôi, điểm mấu chốt là các nhà điều hành cần chung tay bảo tồn các điểm du lịch mình đang khai thác vì những nơi này có được giữ gìn và bảo tồn thì chúng ta mới thu được lợi nhuận. Du khách tham gia vào chiến dịch này bởi chúng tôi vẫn giữ tiêu chuẩn dịch vụ và đảm bảo hành khách có thể tận hưởng trọn vẹn hành trình khám phá Hạ Long. Nhiệm vụ của chúng tôi là cân bằng giữa sự hài lòng của khách hàng và bảo vệ môi trường”.

*Tìm giải pháp xanh

Mặc dù du lịch xanh vốn không xa lạ với các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, mô hình này vẫn còn khá mới mẻ.

Ts. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012, nhưng các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh chưa được ban hành.

Vì thế, phát triển du lịch ở một số địa phương còn mang tính tự phát, vì lợi ích trước mắt và không tính đến lợi ích lâu dài dẫn đến xâm hại tài nguyên, cảnh quan, môi trường, không tuân thủ các yêu cầu và nguyên tắc phát triển xanh và bền vững.

Thêm nữa, các giải pháp xanh hầu hết đều đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn so với thông thường, vấn đề này thường khiến doanh nghiệp hay địa phương thiếu động lực trong điều kiện tài chính còn hạn hẹp để chuyển đổi sang giải pháp xanh…

Lấy du lịch xanh là chủ đạo trọng định phát triển du lịch. Ảnh: TTXVN

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giải pháp cần thực hiện ngay là truyền thông mạnh hơn nữa về du lịch xanh. Ngoài ra, khuyến khích các thế hệ trẻ khởi nghiệp du lịch với ý thức lấy du lịch xanh làm chủ đạo trong định hướng phát triển.

Thêm nữa, cần ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh, trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như tour du lịch xanh, khách sạn xanh, nhà hàng xanh, khu nghỉ dưỡng xanh.

Còn Ts. Nguyễn Anh Tuấn cho hay, muốn phát triển du lịch xanh, trước hết cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch không gian công cộng để du khách đến du lịch có cảm giác gần gũi, ấm áp, thư giãn và thích thú với cảnh sắc, không gian văn hóa của địa phương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc áp dụng tăng trưởng xanh trong xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch cũng là một lợi thế.

“Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện những biện pháp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sở lưu trú, đăng ký chứng nhận nhãn Bông sen Xanh cho cơ sở lưu trú; thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như các tour thám hiểm hang động tại vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc biệt về làm sạch cảnh quan, môi trường như những tour “vớt rác” tại Hội An, Sơn Trà… Tinh thần chủ động và nhận thức tốt của các doanh nghiệp du lịch về phát triển du lịch xanh hiện nay cho thấy khả năng lớn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển”, Ts. Nguyễn Anh Tuấn cho biết./.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định Phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để Việt Nam phát triển du lịch bền vững. Song theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, từ thực tế khai thác hoạt động du lịch thời gian qua, có thể thấy hướng đi này vẫn còn gặp nhiều thách thức. Đó là phát triển du lịch xanh vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, chưa thấy được hết ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục