Starbucks: Thu trái ngọt từ vị đắng cà phê

13:06' - 15/05/2016
BNEWS Starbucks đã trở thành chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu thế giới và là một trong những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Mỹ với hơn 20.000 cửa hàng đặt tại gần 70 quốc gia trên toàn cầu.

Trong thời đại kỹ thuật số phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt, cà phê là loại đồ uống mà để thưởng thức trọn vẹn hương vị của nó thì người ta không thể vội vã mà phải “nhâm nhi” bởi đây không chỉ là một thức uống đơn thuần mà là một bản sắc văn hóa.

Bạn có thể uống cà phê một mình hay một nhóm bạn bè, tại một cửa hàng sang trọng hay bình dân vỉa hè. Bất kể thời gian, không gian, địa điểm và người thưởng thức là ai thì vị đắng đặc trưng đầy hấp dẫn của cà phê là không thể trộn lẫn.  

Với một tôn chỉ như trên, Starbucks đã trở thành chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu thế giới và là một trong những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Mỹ, sở hữu hơn 20.000 cửa hàng đặt tại gần 70 quốc gia trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành Howard Schultz - "công thần" của đế chế Starbucks. Ảnh: Reuters

Ngay cả chính cha đẻ của thương hiệu cà phê lừng danh thế giới này cũng khó có thể mường tượng tới thành công trên cả tuyệt vời của ngày hôm nay, khi xuất phát điểm của thương hiệu lừng danh này lại chỉ là một quán cà phê nhỏ tại Seattle vào năm 1971. 

Với khẩu hiệu “Starbucks là điểm thứ ba mà khách hàng ghé đến sau gia đình và công sở”, Starbucks đã truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần con người. Starbucks không chỉ là một quán cà phê mà trở thành địa điểm tụ tập bạn bè hay nơi gặp gỡ cho những người kinh doanh.

Starbucks muốn cung cấp cho mọi người bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, hoặc vị trí trải nghiệm độc đáo: các quán cà phê như là một nơi để thư giãn, làm việc và giao tiếp.

Thành công tuyệt vời của Starbucks có được bên cạnh chất lượng “không chê vào đâu được” còn là chiến lược quảng bá, tiếp thị tuyệt vời.

Tương tự như chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh McDonald, thương hiệu Starbucks luôn luôn được nhắc tới như những ví dụ tiêu biểu về nghệ thuật quảng bá và tiếp thị.

Starbucks đã đem lại cho người Mỹ thói quen uống cà phê mọi nơi, mọi lúc và bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức cà phê Starbucks. Khách hàng của Starbucks có thể là thương gia, nhân viên văn phòng hay thậm chí là những lao động phổ thông. 

Biểu tượng màu xanh lá cây của Starbucks giờ đây hiện diện khắp nơi và khó có thể bị nhầm lẫn. Biểu tượng độc đáo này được in cả trên cả tách cà phê, khăn giấy…, và sự lặp lại hình ảnh thường xuyên, liên tục này sẽ tăng cường sức mạnh và khả năng nhận biết thương hiệu.

Đây chính là một phương pháp tuyệt vời để tiếp cận khách hàng. Quá trình bền bỉ với nỗ lực nhằm đưa thương hiệu trở nên thân thuộc đã giúp Starbucks phát triển sự kết nối về cảm xúc với khách hàng. Mỗi khi khách hàng nhìn thấy biểu tượng Starbucks thì họ gần như ngay lập tức liên tưởng tới hương vị của Starbucks.

Starbucks không chỉ là cà phê mà còn là một nét văn hóa. Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, ở các khu ngân hàng tài chính cứ vài trăm mét lại có một quán cà phê Starbucks và thương hiệu này đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của nhiều người.

Tại khu vực sân bay hay tại các trung tâm tài chính, các trung tâm thương mại nổi tiếng thì cà phê Starbucks là một quán bar sang trọng để phục vụ tầng lớp nhà giầu, doanh nhân tìm tới để đàm phán về các thương vụ hay thư giãn để đọc sách, lướt web bên ly cà phê.

Trái lại, ở các siêu thị, trường đại học hay khu du lịch thì Starbucks lại “thay hình, đổi dạng” thành các quán cà phê bình dân với những chiếc cốc, đồ dùng bằng giấy carton hay bằng nhựa mỏng đơn giản như bất kỳ cửa hàng ăn nhanh nào.

Để có thể phát triển như vậy, Starbucks đã có chiến lược quảng bá, tiếp thị có tính chuyên nghiệp cao để có thể tiếp cận và chiếm lĩnh các vị trí bán hàng “đắc địa” tại các khách sạn nổi tiếng, tòa nhà văn phòng hay các địa điểm công cộng như siêu thị, nhà ga, thường có nhiều người qua lại

Bên cạnh đó, Starbucks rất chú trọng đến công việc đào tạo xây dựng văn hóa Starbucks cho mỗi nhân viên của mình. Đối với Starbucks, mỗi nhân viên, bất kể vị trí nào của Starbucks phải là một chuyên gia quảng bá, tiếp thị tốt để mọi nơi mọi lúc có thể tư vấn, có thể tiếp thị trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp.

Gần như tất cả nhân viên Starbucks trên toàn cầu đều tự hào về vị trí của họ với ý thức rất cao về chất lượng cà phê và chất lượng phục vụ của Starbucks. Họ tự tin khi thành thạo phân biệt được các loại hương vị và mùi vị của hàng trăm loại cà phê khác nhau.

Không nhiều doanh nghiệp dịch vụ ăn uống lại quan tâm và đầu tư nhiều đến đào tạo cho nhân viên như trên. Thường xuyên, hàng tuần, hàng tháng, Starbucks đều có những chương trình tập huấn và hội thảo cho nhân viên.

Starbucks có chế độ đãi ngộ khá tốt với nhân viên, kể cả các nhân viên làm việc bán thời gian. Bên cạnh lĩnh vực đào tạo nhân viên, Starbucks cũng được đánh giá rất cao về ý thức xã hội và môi trường.

Xem thêm >>> InterContinental Hotels: Từ sản xuất bia trở thành tập đoàn khách sạn số 1

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục