Stratfor: Syria vẫn đối mặt với tương lai mờ mịt

05:30' - 02/12/2017
BNEWS Theo bài viết trên mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor, lực lượng khủng bố IS đang dần tiến tới chỉ còn là tàn quân ở Syria, song Syria vẫn đang đứng trước tương lai mờ mịt.
IS đã suy yếu nhưng Syria vẫn đang đứng trước tương lai mù mịt. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau gần 4 năm bị tấn công trên mặt đất và từ trên không, IS cuối cùng không kiểm soát được những vùng đô thị và phải gánh chịu những thương vong rất nặng nề. Sự suy tàn của lực lượng này đang đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo đối với Syria?

Không một phe nhóm nào ở Syria chỉ tập trung vào việc phá hủy IS như Mỹ. Trái với các lực lượng khác tại khu vực, Washington gần như đặt sứ mệnh tiêu diệt IS lên trên mọi mối quan tâm khác. Mỹ thực thi sứ mệnh này thông qua việc đứng về phe Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), mặc dù điều này làm tổn thương mối quan hệ đối tác chiến lược lâu năm của họ với Thổ Nhĩ Kỳ.  

Các tổ chức cực đoan như IS phát triển nhờ những khoảng trống quyền lực tại các khu vực bất ổn và bị quản trị tồi. Do đó, chừng nào cuộc nội chiến Syria còn kéo dài, và đi kèm với đó là sự hủy diệt và bất ổn, nơi đây sẽ tiếp tục là mảnh đất "màu mỡ" cho khủng bố và các tổ chức cực đoan. 

Ngoài việc hỗ trợ SDF ở miền Đông Syria, Mỹ có thể sẽ hối thúc một giải pháp chính trị cho cuộc chiến này.Tuy nhiên, đây chính là điểm luôn bế tắc của cuộc xung đột này, thể hiện qua tất cả các vòng đàm phán tại Geneva.

Không chỉ tầm nhìn của Mỹ đối với Syria thời hậu chiến rất khác so với tầm nhìn của những bên liên quan chủ chốt khác, mà ngay cả phiến quân và những người ủng hộ họ cũng bị chia rẽ về tiến trình chính trị.Trong chừng mực nào đó, lực lượng trung thành với chính phủ và những người ủng hộ cũng vậy.

Quan điểm của Mỹ tại các cuộc đàm phán sắp tới dựa trên việc thúc đẩy 3 nhân tố: một tiến trình chuyển tiếp chính trị có ý nghĩa, vai trò đáng kể cho người Kurd và giảm bớt vai trò của Iran tại Syria. 

Nghịch lý là 3 mục tiêu này lại gần với quan điểm của Nga hơn cả.Moskva vẫn khăng khăng rằng người Kurd xứng đáng có tiếng nói đáng kể trong tương lai của Syria thời hậu chiến.Trong số những bên ủng hộ Chính phủ Syria, Điện Kremlin tỏ ra kiên quyết hơn cả trong việc yêu cầu cải cách chính phủ này.

Nước này cũng sẵn sàng hạn chế sự hiện diện của Iran, thể hiện qua thỏa thuận Mỹ-Nga về việc thiết lập khu vực "giảm leo thang" tại Daraa, nơi đóng vai trò vùng đệm giữa Cao nguyên Golan và các lực lượng Iran. Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm một chiến lược rút khỏi Syria, Moskva là bên tỏ ra sẵn sàng nhất trong việc đưa ra sự thỏa hiệp để có thể đạt được một hiệp định hòa bình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải công nhận những giới hạn của các điểm đồng giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria.Giữa Washington và Moskva vẫn còn khoảng cách rất lớn xung quanh mức độ cải cách chính trị tại Damascus và giới hạn sự hiện diện của Iran.

Trên thực tế, trong bối cảnh Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang vững chắc hơn bao giờ hết và Iran đang hiện diện sâu rộng tại Syria, Nga phải đương đầu với những hạn chế thực sự trong việc buộc ông Assad phải thỏa hiệp và hạn chế sự có mặt của Tehran. 

Cả Syria lẫn Iran đều háo hức tập trung vào thắng lợi quân sự rõ rệt của mình để khẳng định lợi thế hiện nay của họ, và Nga có thể gây phương hại tới vị thế mới được củng cố của mình tại khu vực nếu như họ gây áp lực quá mạnh lên các đồng minh và bị công khai từ chối.

Trong khi đó, sự bất mãn của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhân tố nguy hiểm. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có chung mục tiêu với Mỹ trong việc tìm kiếm sự quá độ chính trị có ý nghĩa và hạn chế Iran, song vấn đề người Kurd vẫn là nhân tố gây chia rẽ nghiêm trọng. 

Sự ủng hộ của Mỹ đối với SDF, lực lượng chịu sự chi phối của lực lượng Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), khiến Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ vì mục tiêu trước tiên của họ trong cuộc xung đột này vẫn là hạn chế sự bành trước của người Kurd, cho dù điều này gây phương hại tới chính phiến quân Syria mà họ cũng ủng hộ. Bất chấp sự bất bình của Washington, Ankara đang nỗ lực xích lại gần hơn với Moskva.

Tuy nhiên, tiến trình giảng hòa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn chưa thu được kết quả. Bị Mỹ và Nga đẩy vào thế bí, ngày 13/11 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng nếu 2 cường quốc này thực sự tin rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Syria, thì họ nên rút quân. 

Điều mà ông không nói ra là việc rút quân đó sẽ loại bỏ được những lực lượng cản trở quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công YPG.Ankara đã lại gây áp lực buộc Nga phải rút quân tại cuộc gặp cấp cao ngày 22/11.Song Nga không chỉ từ chối đề nghị này, mà còn khăng khăng đòi mời YPG tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai.

Điều này có thể một lần nữa phá hỏng quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga trong vấn đề Syria, mặc dù không chắc 2 bên sẽ đoạn tuyệt hoàn toàn với nhau.

 Tóm lại, sự suy tàn của IS tại Syria sẽ không tự mở đường cho giải pháp đối với cuộc xung đột ở đây. Trên thực tế, việc loại bỏ được kẻ thù chung thậm chí còn có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa các bên. 

Mặc dù Mỹ và Nga muốn chấm dứt cuộc xung đột, song ảnh hưởng của họ tại khu vực chỉ có hạn. Tehran và Damascus rõ ràng đang theo đuổi một chiến thắng quân sự, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng chiến dịch quân sự chống YPG. 

Các lực lượng nổi dậy, vốn đang ngày càng có quan điểm cứng rắn, không tỏ ra sẵn sàng từ bỏ cuộc chiến này, và Israel đang de dọa mở các cuộc tấn công quân sự để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Iran. 

Cả Mỹ và Nga đều vẫn bị chia rẽ xung quanh những câu hỏi chủ chốt như số phận của ông Assad và cuộc cải cách chính trị. Cộng lại với nhau, những nhân tố này chỉ càng đảm bảo rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra không chắc tạo ra được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào cho hòa bình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục