Sự điều chỉnh đáng chú ý trên thị trường khoáng sản quan trọng

06:30' - 04/03/2024
BNEWS Thị trường khoáng sản quan trọng toàn cầu đang trở nên căng thẳng, khi các chủ nghĩa dân tộc tài nguyên ngày càng trỗi dậy.

Kể từ tháng 1/2023, giá nickel giao ngay trên Sàn giao dịch hàng hóa London (Anh) đã giảm hơn 50%, trong khi giá spodumene (khoáng chất thô chứa lithium) ở Trung Quốc đã giảm gần 70% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2022. Đáng lưu ý là giá của hai khoáng sản hiếm này đã giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu vẫn tăng, vượt xa nguồn cung và lượng dự trữ hiện có.

Các nhà phân tích của Benchmark Minerals Intelligence - cơ quan theo dõi giá khoáng sản có trụ sở tại London - gần đây lập luận rằng vừa có một vụ nổ "bong bóng" cổ điển trên thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra giống như một sự điều chỉnh hơn là một vụ sụp đổ.

Lithium vẫn được giao dịch ở mức giá cao hơn gấp đôi so với mức giá ghi nhận trước đại dịch COVID-19, trong khi nickel tăng 28% so với giá của năm 2019.

Tổ chức tư vấn độc lập Adamas Intelligence chỉ ra rằng nhu cầu dài hạn của các loại khoảng sản quan trọng vẫn còn mạnh mẽ, do sự tăng trưởng của xe điện (EV). Nhưng tương lai của lithium và nickel – cùng với tất cả các khoáng sản quan trọng khác – gắn liền với chiến lược an ninh và địa chính trị đan xen lẫn nhau của các quốc gia và các tập đoàn đa quốc gia khác nhau.

Nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên quốc gia và chiếm lợi thế trong cuộc đua khoáng sản quan trọng, các chính phủ đang xem xét ban hành nhiều chính sách hạn chế. Tác giả bài viết khuyến nghị trước khi các chính phủ đưa ra những phản ứng tức thời như cắt giảm quy định hoặc cung cấp các gói cứu trợ doanh nghiệp – điều có thể làm suy yếu tiêu chuẩn cấp phép hoạt động - cần xem xét bối cảnh địa chiến lược và đặc biệt là sự tăng giá nickel của Indonesia và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.

Nickel của Indonesia là một minh chứng cho sự thành công trong lĩnh vực phát triển tài nguyên hạ nguồn. Thông qua một loạt lệnh cấm xuất khẩu cùng với tăng cường đầu tư nước ngoài vào các nhà máy luyện kim (với mục đích tăng khai thác các sản phẩm tinh chế), Indonesia đã chuyển đổi từ một quốc gia xuất khẩu quặng chưa tinh chế trước năm 2014 để trở thành nhà sản xuất các sản phẩm hợp kim nickel lớn thứ hai thế giới vào năm 2019.

Năm 2021, chính phủ nước này đã thành lập doanh nghiệp nhà nước lớn, Tập đoàn Pin Indonesia (IBC), với mục tiêu kiểm soát 51% các mỏ và nhà máy luyện nickel và 25-40% lĩnh vực sản xuất điện cực âm và pin. IBC đã hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc và Hàn Quốc để xây dựng lò luyện H-PAL (sử dụng axit áp suất cao) thế hệ mới để sản xuất các sản phẩm nickel phục vụ cho sản xuất pin.

Với sự hỗ trợ chặt chẽ của nhà nước, quy mô kinh tế, quy định nới lỏng và nguồn vốn đầu tư lớn từ các đối tác nước ngoài, các sản phẩm nickel của Indonesia đã đạt được lợi thế giá rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.

Australia, một trong những nhà khai thác khoáng sản quan trọng lớn nhất thế giới, cũng có tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất nickel. Lợi thế của Australia là danh tiếng về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), được xác định rõ ràng trong chiến lược của các tiểu bang và liên bang về các loại khoáng sản quan trọng.

Nickel của Australia chiếm ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh ở chỗ có đủ điều kiện cung cấp cho các khách hàng ở Bắc Mỹ - những nhà sản xuất đang nhận được trợ cấp từ chính phủ nước này. Vì vậy thay vì cạnh tranh với các sản phẩm nickel giá rẻ với Indonesia, quốc gia châu Đại dương nên tập trung vào thị trường Bắc Mỹ.

Để làm rõ nhận định này, hãy cùng xem xét Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. IRA cung cấp khoản trợ cấp 7.500 USD cho mỗi chiếc xe điện được sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ, sử dụng các khoáng sản quan trọng có nguồn gốc từ các mỏ hoặc nhà máy tinh chế ở các quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ và nơi các dự án không bị "kiểm soát bởi các thực thể nước ngoài đáng quan tâm" (FEOC).

Trong khi Australia có FTA với Mỹ, thì Indonesia chưa có. Điều này nhấn mạnh hơn nữa tiềm năng mà Australia sở hữu.

Việc IRA có gây tác động đến giá khoáng sản quan trọng hay không là một chủ đề được tranh luận rộng rãi trong năm vừa qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là một cơ chế có thể tạo ra điều kiện đẩy giá khoáng sản quan trọng lên cao hơn, nhưng không phải là yếu tố quyết định bao trùm hay quan trọng nhất. “Hộ chiếu pin điện” của Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ khác cho thấy có nhiều yếu tố khác nhau tác động vào giá khoáng sản quan trọng.

Do các loại khoáng sản quan trọng khác nhau sẽ mang đặc điểm địa chính trị riêng và đòi hỏi các cách tiếp cận khác nhau. Để dành lợi thế trên thị trường kim loại quan trọng trong thời gian tới, tác giả cho rằng Australia có thể theo đuổi đồng thời nhiều chiến lược.

Là nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, tính đến năm 2020, Australia mới chỉ xuất khẩu quặng spodumene cô đặc, 98% trong số đó là xuất khẩu sang Trung Quốc để tinh chế. Bây giờ, 10% được tinh chế thành lithium hydroxit vẫn còn trong nước. Australia có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm khác nhau sang các thị trường chung và thị trường nhánh.

Đối với nickel, Australia nên bán các sản phẩm cao cấp cho chuỗi cung ứng Bắc Mỹ và EU, đồng thời ủng hộ mức giá "bền vững" trên toàn cầu, nâng cao kết quả tác động đối với xã hội và môi trường ở các địa phương để đảm bảo "việc cấp phép" thực sự có hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục