Sự trỗi dậy của các siêu ứng dụng thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội

05:30' - 01/12/2023
BNEWS Các nước Đông Nam Á đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Mua sắm trực tuyến đang gia tăng thông qua những “cú nhấp chuột”.

Một nghiên cứu gần đây dự đoán thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á có thể đạt 295 tỷ AUD (196 tỷ USD) vào năm 2025. Lĩnh vực mới nổi này là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển khi các nền kinh tế khu vực được tái cấu trúc theo hướng kỹ thuật số hóa.


Theo bài viết "Here come the SuperApps" đăng tải trên trang mạng của Viện Lowy (Australia), trong sự trỗi dậy ngày một mạnh mẽ của thương mại điện tử, một số chính phủ đang tìm cách siết chặt quản lý, để tránh những rủi ro có thể xảy ra và bảo vệ người tiêu dùng.

Ví dụ, mới đây nhất Chính phủ Indonesia đã ban hành các quy định, được cho là nhằm vào nền tảng chia sẻ video trực tuyến TikTok, khi nền tảng này bắt đầu “nhúng chân” vào mảng thương mại điện tử thông qua ứng dụng TikTok Shop.

Một xu hướng phát triển đặc biệt đáng chú ý ở Đông Nam Á hiện nay là sự xuất hiện của các siêu ứng dụng (SuperApps). Những giải pháp kỹ thuật số tích hợp tất cả trong một (all in one), đã mang lại sự đa dạng và tiện lợi, được hàng triệu người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt là giới trẻ ưa thích công nghệ.

Có thể kể đến một số siêu ứng dụng đang “gây bão” tại khu vực như ứng dụng gọi xe kỹ thuật số Gojek của Indonesia và Grab của Malaysia. Hai ứng dụng này đã phát triển thành siêu ứng dụng đa diện, cung cấp mọi thứ hàng hóa và dịch vụ, từ giao đồ ăn và hàng tạp hóa đến thanh toán hóa đơn, đặt vé… mà người dùng chỉ cần thao tác trên một ứng dụng duy nhất.

Đặc điểm của các siêu ứng dụng là sự kết hợp giữa một nền tảng mạng xã hội và ứng dụng thương mại điện tử. Chúng sở hữu một tiềm năng đặc biệt độc đáo, phản ánh sức ảnh hưởng to lớn từ người dùng, với nội dung lan truyền và mức độ tương tác “gây nghiện” – một sự kết hợp hoàn hảo gây áp lực cạnh tranh vô cùng lớn cho các đối thủ thương mại bán lẻ trực tiếp và thương mại điện tử truyền thống khác.

Trong khi các nền tảng truyền thông mạng xã hội như X (trước đây là Twitter) và Meta (bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp) đã thiết lập vị thế và đang cân nhắc mở rộng các dự án thương mại điện tử, thì TikTok đã đi tiên phong trong việc tích hợp công nghệ để tạo ra các siêu ứng dụng mới.

 

Nền tảng chia sẻ video trực tuyến của Trung Quốc đã phát triển hết sức nhanh chóng trên toàn cầu, mở ra một loại hình truyền thông quảng bá mới cho các nhà quảng cáo và người bán hàng thông qua các video ngắn thu hút người dùng.

TikTok Shop, siêu ứng dụng mới ra đời của TikTok, hoạt động như một “chợ ứng dụng”, tại đó người mua và người bán có thể liên hệ trực tiếp với nhau, trong khi TikTok sẽ thực hiện các công việc dịch vụ hạ tầng kết nối như đóng gói và giao hàng, tạo thành một kênh mua sắm hoàn chỉnh và nhanh chóng.

Với TikTok Shop, người bán có thể thêm liên kết "cửa hàng" vào video của mình, cho phép người mua tiềm năng xem qua và mua các sản phẩm nổi bật chỉ bằng vài “cú nhấp chuột”. Tính năng phát trực tiếp cho phép người bán giới thiệu sản phẩm trong thời gian thực, cung cấp cái nhìn chi tiết cho người mua. Nếu người mua thắc mắc, có thể hỏi người bán trong cuộc trò chuyện trực tuyến và nhận được phản hồi ngay lập tức.

TikTok Shop đã cách mạng hóa hoạt động mua sắm trực tuyến bằng cách kết hợp tương tác xã hội và thương mại trong một ứng dụng. Việc hợp nhất quảng cáo, bán hàng, thanh toán và giao hàng mang đến cho người dùng trải nghiệm liền mạch, nơi họ có thể khám phá sản phẩm và mua hàng mà không cần thoát khỏi ứng dụng.

Sức mạnh của cách tiếp cận mang tính chuyển đổi này là không thể phủ nhận. Trong năm 2022, chỉ riêng tại khu vực Đông Nam Á, TikTok Shop đã tạo ra doanh thu 4,4 tỷ AUD (2,93 tỷ USD). Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ tăng gấp ba lần vào năm tới. Có thể nói siêu ứng dụng này đã nổi lên như một công cụ chuyển đổi đáng chú ý. Nó thể hiện sự thay đổi trong cách người dùng nhận thức và tham gia mua sắm trực tuyến – kết hợp kết nối mạng xã hội, giải trí và thương mại ở cấp độ người tiêu dùng.       

Cách thức hoạt động của các siêu ứng dụng tạo môi trường mở rộng tiêu dùng nhiều hơn so với hoạt động thương mại trực tuyến truyền thống. Ví dụ ứng dụng mua sắm của gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đang trở nên “cũ kỹ” từ chính tính năng cốt lõi của ứng dụng này – thanh tìm kiếm (search). Điểm mạnh của nền tảng thương mại điện tử Amazon là phục vụ những người tiêu dùng biết rõ họ muốn gì.

Ứng dụng này được thiết kế dành cho những người đã sẵn sàng mua hàng thay vì thu hút sự chú ý của người dùng và khám phá những tiềm năng bán hàng mới. Chiến thắng của TikTok nằm ở thuật toán đề xuất được điều chỉnh – nâng cao sự quan tâm của người dùng. Chiến lược của nó không chỉ phục vụ cho những gì người dùng biết họ muốn gì mà nó mang đến cho họ những gợi ý về các sản phẩm có thể khiến họ muốn mua.        

Sự thay đổi theo hướng công nghệ hóa hoạt động mua sắm là cũng đặt ra những thách thức đáng kể cho các nhà chức trách để có thể quản lý và ngăn ngừa những rủi ro phát sinh từ hoạt động thương mại trên mạng Internet. Ra đời vào hai năm trước, TikTok Shop tại Indonesia đã nhanh chóng thu hút 6 triệu người bán và 7 triệu người làm các nội dung sáng tạo, đưa thị trường lớn nhất Đông Nam Á trở thành địa bàn kinh doanh thịnh vượng cho TikTok Shop.

Tuy nhiên trong một động thái bất ngờ, vào tháng 9/2023, Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Quyết định này phản ánh mong muốn của các nhà chức trách Indonesia trong việc bảo vệ thị trường và người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo mật dữ liệu và ngăn chặn tiềm năng thống trị không gian thương mại điện tử của TikTok, có thể gây bất lợi cho các công ty trong nước.

Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, người bán không còn có thể bán hàng trực tiếp trên ứng dụng TikTok Shop nữa. Tuy nhiên, họ vẫn có thể quảng cáo sản phẩm của mình thông qua phát trực tiếp trên ứng dụng TikTok. Một giải pháp bắc cầu đã ra đời, đó là người bán cung cấp các liên kết cho người dùng đến các nền tảng thương mại điện tử khác, mà tại đó người mua có thể mua và hoàn tất giao dịch.

Ngoài Indonesia, TikTok Shop đã có mặt ở Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ và Việt Nam. Lệnh cấm TikTok Shop ở Indonesia đã thu hút sự chú ý của các nước này. Một số nước đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan, trong khi cân nhắc xem nên làm theo hay áp dụng một cách tiếp cận khác với Indonesia.

Mặc dù nền tảng mạng xã hội TikTok đã thông báo sẽ ngừng tính năng TikTok Shop tại Indonesia từ ngày 4/10. Nhưng vẫn có thể một số lựa chọn tốt hơn để tiếp tục duy trì siêu ứng dụng này ở thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Đầu tiên là thiết lập một nền tảng thương mại điện tử độc lập, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và cho phép nền tảng này hoạt động trong khuôn khổ pháp lý do Chính phủ Indonesia đặt ra.

Lựa chọn thứ hai là khám phá các cơ hội hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử đã có uy tín, tận dụng chuyên môn, cơ sở hạ tầng và cơ sở người dùng sẵn có. Lựa chọn thứ ba đòi hỏi phải kiên trì tìm kiếm sự chấp thuận theo quy định và công ty chủ quản (TikTok) phải có sự minh bạch hoàn toàn trong hoạt động, bao gồm cả các thuật toán mà công ty áp dụng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục