TikTok tiến vào lĩnh vực thương mại điện tử bằng dịch vụ hậu cần

05:30' - 18/11/2023
BNEWS Khi hoạt động mua bán trên TikTok Shop diễn ra ngày một sôi nổi hơn, công ty bắt đầu tiến vào mảng kinh doanh dịch vụ hậu cần.

TikTok, nền tảng chia sẻ video trực tuyến, đang có kế hoạch cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics), hướng tới mục tiêu khai thác tiềm năng của thị trường thương mại điện tử, dựa trên số lượng người dùng khổng lồ của mạng xã hội.

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), TikTok đã triển khai một ứng dụng mới có tên gọi là TikTok Shop tại Mỹ và nhiều quốc gia khác nhau. Khi hoạt động mua bán trên TikTok Shop diễn ra ngày một sôi nổi hơn, công ty bắt đầu tiến vào mảng kinh doanh dịch vụ hậu cần.

Công ty đang thiết lập mạng lưới nhà kho và chuỗi hoạt động giao hàng khép kín, bao gồm từ khâu nhận hàng, phân loại, quản lý hàng tồn kho, giao hàng… để phục vụ cho các giao dịch mua bán hàng hóa giữa các nhà thương mại độc lập và người dùng trên nền tảng TikTok Shop.

Các chuyên gia nhận định TikTok lựa chọn đi theo mô hình của Amazon – nhà điều hành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu. Điều này đã được minh chứng bằng tham vọng cạnh tranh trực tiếp của TikTok với Amazon, hướng tới mục tiêu thúc đẩy một xu hướng kinh doanh mới trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến là thương mại nền tảng mạng xã hội.

Ý tưởng đảm nhận công việc hậu cần, thay vì để người bán dựa vào một bên thứ ba để xử lý đơn hàng của họ, sẽ giúp thu hút nhiều người bán hơn đến với TikTok Shop, đồng thời tăng sự hài lỏng của người mua hàng bằng khả năng giao hàng nhanh chóng, đáng tin cậy.

Nhưng khác với cách tiếp cận khép kín của Amazon, TikTok có thuê các nhà cung cấp bên ngoài đảm nhận một số khâu trong chuỗi hoạt động giao hàng. Wall Street Journal chia sẻ TikTok đã đạt được thỏa thuận với các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, bao gồm ShipBob và Newegg để thực hiện công việc lưu trữ hàng tồn kho, phân chia sản phẩm và đóng gói. Hai doanh nghiệp này sau đó sẽ có nhiệm vụ đưa các gói hàng hoàn thiện vào mạng lưới chuyên chở của TikTok để giao hàng.

Sau ba năm ra mắt, mức độ phổ biến của TikTok Shop đang tăng mạnh. Tại Mỹ, số lượng người đăng ký tài khoản trên ứng dụng này đã lên tới hơn 150 triệu người. Một phần trong công thức chung của ứng dụng là sử dụng thuật toán để cung cấp nguồn dữ liệu video đến từng người dùng, đưa ra bất cứ thứ gì mà người dùng cảm thấy hấp dẫn nhất, bằng cách phân tích về thói quen, mức độ ưa chuộng, sở thích… của người dùng.

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và các nhà sáng tạo nội dung sẽ giới thiệu các sản phẩm từ son môi, quần áo, phụ kiện cho đến dụng cụ vệ sịnh gia đình… giúp người dùng ứng dụng có thể trải nghiệm như đang xem các kênh truyền hình mua sắm tại nhà. Người dùng ứng dụng có thể thấy sản phẩm được mô hình hóa và tiếp thị, đi kèm với một địa chỉ liên kết mà nếu quan tâm, và họ có thể nhấn vào đó để mua hàng từ nhà bán lẻ trực tiếp.

TikTok cũng đang bổ sung tính năng cơ sở hạ tầng mới giúp những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có thể liên kết trực tiếp với các nhà cung cấp sản phẩm. Nhưng động thái này đã khiến TikTok phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ như Amazon, Target và Walmart, cũng như các trang thương mại điện tử Shein và Temu, cả hai đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và đang phát triển nhanh chóng ở Mỹ.

Không những vậy, bước phát triển đầy tham vọng của TikTok còn phải đối mặt với những thách thức bên ngoài vấn đề hậu cần, bao gồm cả tương lai pháp lý không chắc chắn khi một số nhà quản lý đã coi đây là rủi ro an ninh quốc gia và cảnh báo sẽ cấm TikTok, cũng như các ứng dụng vệ tinh của công ty.

Các chuyên gia cho biết, nền tảng chia sẻ video lớn nhất hành tinh phải nỗ lực hơn nữa để có được sự tin tưởng từ các khách hàng. Nhiều người trong số họ không quen nhập thông tin thẻ tín dụng của mình vào ứng dụng nền tảng mạng xã hội để mua hàng từ bên thứ ba.

Việc bổ sung thêm dịch vụ hậu cần là cách để TikTok nổi bật trong không gian thương mại điện tử ngày càng “đông đúc” tại Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Một phát ngôn viên của công ty cho biết dịch vụ xử lý đơn hàng của họ cho phép công ty cung cấp “trải nghiệm vận chuyển nhanh chóng và liền mạch cho người bán và khách hàng”.

Theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence, Amazon, công ty chiếm khoảng 40% thị trường thương mại điện tử Mỹ, từ lâu đã cung cấp dịch vụ hậu cần cho các thương nhân bên thứ ba, thông qua chương trình giao hàng trọn gói “Fulfillment by Amazon”.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ từ lâu đã xây dựng được một mạng lưới trung tâm phân phối rộng khắp và khép kín. Amazon chủ động đảm nhận nhiều công việc giao hàng hơn bằng xe tải và xe container của hãng, sau khi nhận thấy có những bất cập phát sinh do phụ thuộc vào các hãng vận chuyển bao gồm United Parcel Service và FedEx.

Người phát ngôn của TikTok không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc liệu công ty có xây dựng kho hàng riêng của mình thay vì đi thuê lại từ một bên thứ ba hay không.

Thông thường, người bán bên thứ ba trên các “chợ trực tuyến” sẽ phải xử lý tất cả các khâu trong quá trình điều hành doanh nghiệp, từ việc sản xuất sản phẩm và tiếp thị chúng, cho đến nhận đơn đặt hàng, đóng gói và giao chúng đến tay người mua.

Một số người bán nói rằng điều đó có thể cản trở sự tăng trưởng doanh số bán hàng của họ vì việc xử lý các đơn hàng nhỏ có thể mất thời gian và tốn kém. Đây là một thách thức đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ trên TikTok, nơi các sản phẩm có thể lan tỏa một cách nhanh chóng và tạo sự gia tăng đơn đặt hàng vượt kỳ vọng.

Cô Annie Leal, một nhà kinh doanh nhỏ ở McAllen thuộc bang Texas, đã sử dụng TikTok để tiếp thị loại gia vị Mexico không đường có tên “I Love Chamoy”. Cô đã tham gia TikTok Shop khi ứng dụng này được cung cấp cho một số người bán hàng ở Mỹ vào đầu năm nay.

Gần đây cô Leal đã bắt đầu sử dụng ShipBob để thực hiện các đơn đặt hàng qua TikTok Shop. Việc này giúp cô tiết kiệm thời gian và chi phí nhiều hơn so với việc tự mình xử lý đơn hàng. Cô Leal cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ việc có nên tự xây dựng một nhà kho riêng hay không? Chúng tôi có nên thuê nhân viên làm việc này không?...”. Những việc này rõ ràng đòi hỏi một khoản chi phí thiết lập lớn và tốn thời gian.

Cô Leal nói thêm: “Tôi nhận ra là mình muốn tập trung vào những điều mà tôi cảm thấy rất thoải mái khi thực hiện, để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh. Tôi yêu thích công việc tiếp thị và sáng tạo nội dung. Tôi thích tạo ra sản phẩm mới. Vì vậy, sẽ thích hợp hơn cả là tôi có thể giao các công việc hậu cần bán hàng cho bên thứ ba, các chuyên gia thực sự trong lĩnh vực này, thực hiện”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục