Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về giảm phát thải và thị trường carbon

18:53' - 17/04/2024
BNEWS Nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải, chuẩn bị cho thị trường carbon.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Trong đó, nhiều quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải, chuẩn bị cho thị trường carbon.

Về tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, dự thảo Nghị định đề xuất kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cần được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập, thay vì cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như quy định hiện hành. Nghị định bổ sung quy định về tăng cường hấp thụ khí nhà kính từ rừng, sửa đổi quy định về thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

 
Về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, dự thảo Nghị định bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch. Trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Các quy định về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, dự thảo Nghị định đưa ra chi tiết đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước. Trong đó, đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ carbon gồm: các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện đo đạc – báo cáo – kiểm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực. Bổ sung quy định về Hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, là công cụ quản lý hạn ngạch và tín chỉ carbon do cơ quan đầu mối về môi trường/kiểm kê khí nhà kính quản lý.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về sàn giao dịch carbon và quy định chi tiết về các hoạt động trên sàn giao dịch carbon, bao gồm: mua, bán, đấu giá hạn ngạch và mua, bán tín chỉ carbon thực hiện trên sàn giao dịch carbon; chuyển giao, vay mượn, nộp trả, bù trừ hạn ngạch thực hiện trên Hệ thống đăng ký quốc gia.

Đối với các quy định về bảo vệ tầng ozone, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng “xuất khẩu” các chất được kiểm soát nhằm quản lý lượng tiêu thụ các chất được đầy đủ hơn. Quy định thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát chưa quản lý các chất được kiểm soát sau tái chế, do đó, đề xuất bổ sung 1 khoản vào Điều 28 về yêu cầu chất được kiểm soát sau tái chế được bán, lưu hành trên thị trường.

Về trách nhiệm trong quản lý các chất được kiểm soát, tại Điều 27, để thống nhất, đồng bộ trong xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia, đề xuất bổ sung vào khoản 3 Điều 27 “tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát”.

Để thực hiện hiệu quả việc quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo cam kết thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone, ngoài quy định về lộ trình quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát thì cần có những biện pháp để giảm thiểu sử dụng các sản phẩm, hàng hóa có chứa hoặc được sản xuất từ các chất được kiểm soát có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao. Do đó, đề xuất bổ sung quy định này vào điểm b khoản 1 Điều 29.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị COP28, Việt Nam đã tham gia Cam kết làm mát toàn cầu. Để triển khai thực hiện các nội dung của Cam kết, dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm khuyến khích các hoạt động có liên quan đến làm mát bền vững, đẩy mạnh hoạt động tái chế các chất được kiểm soát cần có các cơ chế khuyến khích triển khai thực hiện các hoạt động này.

Nhằm tạo cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường carbon; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone theo công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo lộ trình phát triển, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng, có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục