Sửa đổi Nghị định 58/2018/NĐ-CP: Hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

11:23' - 27/01/2025
BNEWS Bộ Tài chính đang nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp và sẽ sớm có văn bản lấy ý kiến rộng rãi.
Nhằm hỗ trợ và thu hút người nông dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính đang nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp và sẽ sớm có văn bản lấy ý kiến rộng rãi.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn thí điểm từ năm 2011 - 2013 và tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

 
Trước đó, bảo hiểm nông nghiệp được triển khai theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra)., thu hút được các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của 20 tỉnh, thành phố tham gia.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 (thay thế Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019). Theo đó, 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025.

Theo đó, rủi ro được bảo hiểm mở rộng hơn về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và địa bàn hỗ trợ. Cụ thể, rủi ro được bảo hiểm gồm: cây lúa 19 rủi ro thiên tai, 12 rủi ro dịch bệnh (mở rộng thêm 5 rủi ro dịch bệnh); cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê: 9 rủi ro thiên tai; vật nuôi (trâu, bò , lợn): 17 rủi ro thiên tai, 4 rủi ro dịch bệnh (mở rộng thêm 2 rủi ro dịch bệnh); nuôi trồng thủy sản: 16 rủi ro thiên tai.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, trong 5 năm triển khai thực hiện, từ năm 2019 đến nay, có 4/29 địa phương triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Nghệ An, Thái Bình (đối với cây lúa); Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi là trâu, bò). Tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm là 20.261 (17.871 hộ nghèo và hộ cận nghèo, 2.499 hộ thường). Tổng giá trị được bảo hiểm là 217,3 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 9,47 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 8,02 tỷ đồng.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hiện nay có 19/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra), tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nhờ có bảo hiểm nông nghiệp mà một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, dù đã trải qua nhiều lần thí điểm với nhiều sản phẩm cũng như quy mô khác nhau và đã chính thức được áp dụng ở phạm vi quốc gia theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp từ năm 2019 tới nay, song bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát huy được tính ưu việt tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực này còn khiêm tốn, việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho rằng người dân chưa có các khoản tài chính dành cho chi phí dự phòng và quản lý rủi ro, sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào mảng này. Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và thỏa thuận, đàm phán với nhà tái bảo hiểm quốc tế. Để đảm bảo khả năng tài chính, bồi thường cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm khi rủi ro xảy ra (đặc biệt trong trường hợp có rủi ro thảm họa), doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải tính toán mức giữ lại và thu xếp tái bảo hiểm cho các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (bao gồm điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm...) phụ thuộc nhiều vào việc đàm phán với nhà tái bảo hiểm quốc tế.

Cùng với đó, bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao xuất phát từ thực tế biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh; việc triển khai đòi hỏi các doanh nghiệp. Bảo hiểm phải có năng lực tài chính lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới phân phối sản phẩm đủ rộng đảm bảo khả năng tiếp cận đến cơ sở (cấp thôn, xóm, hợp tác xã), có sự tham gia của nhà tái bảo hiểm quốc tế và với sự hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền tại cơ sở.

Trên cơ sở đó, Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2025. Theo đó, nhiều nội sung sửa đổi chính sách đã được đề xuất, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dự kiến sẽ mở rộng đối tượng bảo hiểm theo các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương, mở rộng rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ và mở rộng địa bàn được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đề nghị bỏ quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh bao hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chủ động thỏa thuận về phạm vi bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp, kịp thời đảm bảo tính mùa vụ trong nông nghiệp phù hợp với nhu cầu, đặc trưng riêng có của từng địa phương.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm, đặc biệt cho các tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp quy mô lớn. Quy định đơn vị đầu mối hỗ trợ chia sẻ dữ liệu về tình hình, mức độ và giá trị thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm làm cơ sở xây dựng sản phẩm bảo hiểm, xác định phí bảo hiểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục