Cần một “cú huých” phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp

12:35' - 12/12/2024
BNEWS Rủi ro thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp góp phần bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định sinh kế cho nông dân.

Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm đối với lĩnh vực này lại rất ít, việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tìm hiểu nguyên nhân và những kiến nghị để có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo nên “cú huých” phát triển thị trường đầy tiềm năng này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank.

Phóng viên: Thưa ông, mặc dù ngành nông nghiệp đóng góp gần 12% trong cơ cấu GDP, nhưng bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu theo nghiệp vụ bảo hiểm. Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn thấp như vậy?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ nông dân trước rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm đối với lĩnh vực này lại rất thấp. Nguyên nhân được các doanh nghiệp bảo hiểm phân tích tập trung vào các vấn đề như: nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm hoặc còn ngần ngại tham gia do chi phí bảo hiểm làm tăng chi phí đầu tư. Quy trình nuôi trồng theo tiêu chuẩn chưa được thực hiện đầy đủ, mô hình nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, gây khó khăn trong việc đánh giá và quản lý rủi ro. Các loại hình rủi ro trong nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh có tính chất lan rộng và không lường trước, khiến doanh nghiệp bảo hiểm gặp rủi ro lớn và khó đạt được lợi nhuận bền vững, vì vậy không hấp dẫn các nhà tái bảo hiểm đầu tư vốn.

Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng ít có sản phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn do chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới…).

Mặc khác, thị trường bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài. Những đơn vị này có nhiều kinh nghiệm toàn cầu và hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm nào phù hợp với từng vị trí địa lý. Tuy nhiên, vì Việt Nam là quốc gia nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, đặc biệt là bão, nên các nhà tái bảo hiểm quốc tế cũng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia thị trường này.

Phóng viên: Thưa ông, Chính phủ đã có Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện Nghị định này đối với sự phát triển của thị trường bảo hiểm nông nghiệp?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp là một văn bản quan trọng, tạo tiền đề pháp lý cho phát triển hoạt động bảo hiểm rủi ro vào khu vực sản xuất nông nghiệp, dưới 2 hình thức: hợp đồng bảo hiểm thương mại truyền thống và hợp đồng bảo hiểm có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách. Tuy nhiên, hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế, bất cập khi chưa nhằm tới số đông. Ngân sách hỗ trợ đang tập trung nguồn lực cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp, trong khi đây không phải là những chủ thể sản xuất hàng hóa lớn, có tỷ lệ đóng góp không cao trong sản xuất nông nghiệp. Các hộ sản xuất theo mô hình sản xuất tập trung, liên kết, tập thể, quy mô lớn thì chỉ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Như vậy những mô hình sản xuất, liên kết tập trung có khả năng hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả, chất lượng, sản lượng chưa được khuyến khích.

Mặc khác, đối tượng sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ còn hạn hẹp khi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP mới chỉ hỗ trợ bảo hiểm cho một số đối tượng cây trồng, vật nuôi, mà chưa có chính sách hỗ trợ bảo vệ cho con người, tài sản cố định và trang thiết bị, máy móc để người dân an tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Nghị định số 58/2018/NĐ-CP cũng quy định giới hạn về địa bàn được hỗ trợ theo chính sách tài khóa từng thời kỳ, chưa mang tính ổn định lâu dài. Cụ thể: đối với bảo hiểm cây lúa thực hiện tại 7 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; đối với bảo hiểm trâu, bò thực hiện tại 8 tỉnh, thành: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương; đối với bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng thực hiện tại 5 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Điều này gây lúng túng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiêp có quy mô toàn quốc. Địa bàn được hỗ trợ bị hạn chế dẫn đến các khu vực được hỗ trợ không đồng nhất, người dân có sự so sánh về quyền lợi được hỗ trợ, dẫn đến khó cung cấp sản phẩm không được ngân sách hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cũng chưa tạo sự chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh khi sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo chính sách hỗ trợ phải được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí trước khi triển khai, đồng thời hiện nay chưa có sản phẩm áp dụng chung cho toàn thị trường. Quy trình để nhận được hỗ trợ và xét duyệt còn nhiều thủ tục. 

Cùng với đó, chính sách chưa đề cập đến hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm khi gặp thiên tai, dịch bệnh mang tính chất thảm họa khó lường, tổn thất vượt quá ngưỡng chịu đựng của vốn chủ sở hữu và chương trình tái bảo hiểm. Như vậy, nếu biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bảo hiểm khu vực Tam nông thấp hoặc không có, thậm chí lỗ thì các doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà phát triển hoạt động tại khu vực này.

Phóng viên: Bảo hiểm Agribank là một trong những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của thị trường Tam nông, trong đó có những sản phẩm được đánh giá cao như Bảo an tín dụng. Vậy đâu là kinh nghiệm và bài học khi thâm nhập vào thị trường này, thưa ông?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Thuận lợi của bảo hiểm thương mại của Bảo hiểm Agribank là mô hình hoạt động và mạng lưới phục vụ tam nông rộng khắp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank hiện đang sở hữu 51,32% vốn của Bảo hiểm Agribank. Công ty mẹ - công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân, song lại có mối quan hệ ràng buộc và sự liên kết chặt chẽ với nhau. Nhờ đó Agribank và Bảo hiểm Agribank tận dụng được hệ thống mạng lưới phục vụ tam nông, cung cấp gói giải pháp tài chính tới tận thôn, xóm, bản, làng. 

Trong hơn 17 năm thành lập và phát triển, Agribank đã giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm Agribank tham gia, góp phần bảo vệ nguồn vốn Nhà nước thông qua hoạt động cung cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn góp phần giảm thiểu nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân như: người vay vốn không may bị tai nạn, bệnh tật dẫn đến thiệt mạng hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn làm mất khả năng trả nợ hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản thế chấp bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy mà các sản phẩm Bảo hiểm Agribank cung cấp phải bao gồm cả bảo hiểm lực lượng sản xuất, tư liệu sản xuất và bảo hiểm đối tượng sản xuất dưới hình thức thương mại để có tính linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn. 

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta trong thời gian tới? 

Ông Đỗ Minh Hoàng: Thị trường bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn nhờ nhu cầu cấp thiết từ ngành nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, rủi ro thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm. Việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp góp phần bảo vệ sản lượng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định sinh kế cho nông dân.

Chính sách của Đảng và Nhà nước động viên khuyến khích các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển hoạt động bảo hiểm đối với khu vực Tam nông để giảm gánh nặng ngân sách về chính sách hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là Nghị định 58/2018/NĐ-CP và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các sản phẩm bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp.

Các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng đầu tư phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại, và mở rộng mạng lưới phân phối đến vùng sâu, vùng xa và bắt đầu xuất hiện mô hình triển khai bảo hiểm vào khu vực Tam nông thành công mang tính bền vững.

Đây là những cơ sở rất quan trọng để thấy rằng tiềm năng phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta trong thời gian tới là rất lớn nếu chúng ta có sự kích thích bằng những cơ chế, chính sách phù hợp. 

Phóng viên: Vậy ở góc độ doanh nghiệp, ông có đề xuất giải pháp gì để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp, về cả chính sách, quy trình, sản phẩm… phù hợp với nhu cầu thực tiễn?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Giải pháp thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp là hoàn thiện chính sách cụ thể động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp quan tâm phát triển bảo hiểm rủi ro, như mở rộng đối tượng và phạm vi hỗ trợ (hỗ trợ không chỉ tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo mà mở rộng đến các tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và vừa; tăng phạm vi địa bàn hỗ trợ, đặc biệt là các địa bàn đã và đang triển khai các đề án phát triển nông nghiệp); tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm cho các đối tượng chính sách hoặc vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo khả năng tiếp cận cao hơn.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng dữ liệu nông nghiệp: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về rủi ro nông nghiệp, cập nhật thông tin thời tiết, dịch bệnh, năng suất cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ cung cấp các thông tin, dữ liệu để các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế, điều chỉnh, bổ sung các sản phẩm bảo hiểm phù hợp và cũng là cơ sở giải quyết bồi thưởng khi tổn thất xảy ra…

Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp và có cơ chế đặc thù cho việc phát triển đa dạng sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho khu vực nông nghiệp nông dân và nông thôn, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như các Đề án trọng điểm quốc gia. 

Ngoài ra, tôi cho rằng cần có quy định cho phép thực hiện bán gói sản phẩm tín dụng + bảo hiểm nhằm bảo vệ tối đa nguồn vốn tín dụng của ngân hàng (thông qua việc bồi thường tổn thất) giúp người nông dân có khả năng thanh toán khoản vay. Theo công văn số 477/KTHT-GN về việc cung cấp thông tin triển khai bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gợi ý phương án “Ngân hàng giảm một phần lãi suất để trả phí bảo hiểm khi người vay vốn được nhận thêm hợp đồng bảo hiểm”. Khi đó, ngân hàng được đảm bảo vốn vay vì trường hợp có rủi ro xảy ra trong sản xuất có thiên tai, dịch bệnh, người vay đã có bảo hiểm, không bị nợ xấu. Người vay được lợi vì được giảm lãi suất để mua bảo hiểm, được hỗ trợ từ bảo hiểm nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ngoài ra, khi tham gia bảo hiểm người sản xuất phải tuân thủ quy định về kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành nên sẽ giúp sản xuất có chất lượng, đảm bảo tính bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục