Sức mua Tết giảm do người dân cắt giảm chi tiêu​

12:07' - 29/01/2024
BNEWS Thường vào tháng Chạp mọi năm hoạt động kinh doanh mua bán ở các chợ, trung tâm thương mại ở Kiên Giang sôi động hơn nhiều so với các thời điểm khác trong năm vì vào mùa mua sắm cao điểm.

Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức mưa sắm Tết giảm mạnh do nhiều người dân cắt giảm chi tiêu Tết vì điều kiện kinh tế, thu nhập trong năm qua khó khăn.

 

Ghi nhận tại một số cửa hàng trang trí nội thất, đồ gia dụng, bách hóa ở thành phố Rạch Giá cho thấy tình hình chung đó là sức mua giảm mạnh so với dịp Tết những năm trước. Bà Lê Thị Thanh, chủ cửa hàng Bách hóa Thanh, phường An Bình, thành phố Rạch Giá cho biết, lượng hàng hóa của cửa hàng bán được từ đầu tháng 12 Âm lịch đến nay giảm khoảng 35% so với dịp Tết Quý Mão 2023.

Vào những dịp tết các năm trước, bước sang tháng Chạp, người dân nhộn nhịp đi mua sắm các món đồ và nhóm hàng như: Màn, chăn, gối; tô, chén, đĩa; xoong nồi và các món đồ gia vị; bột làm bánh… Cửa hàng của bà Thanh phải thuê thêm 4 nhân viên phụ bán. Năm nay, bà Thanh và 2 nhân viên bán hàng vẫn rảnh rỗi ngồi lướt điện thoại vì vắng khách. Những mùa Tết trước, bà Thanh phải nhập hàng mỗi ngày mới đủ bán, năm nay cả tuần mới phải nhập thêm hàng.

Tình hình kinh doanh của nhiều cửa hàng trang trí nội thất ở thành phố Rạch Giá cũng trong tình trạng tương tự. Theo ông Trần Huy, chủ cửa hàng trang trí nội thất Huy Hoàng, số lượng hàng bán ra trong tháng 11 Âm lịch đến nay chỉ tương đương những tháng trước đó chứ không tăng hơn.

Tết năm 2022 và 2023, mỗi ngày cửa hàng của ông Huy bán từ 20 đến 30 món đồ trở lên như salon, bàn ghế, tủ, giàn úp bát đũa, giàn phơi đồ, bếp gas…Tuy nhiên, 2 tháng gần Tết Giáp Thìn này, trung bình mỗi ngày bán được từ 10 đến 15 món hàng. Theo ông Huy, sức mua sắm năm nay giảm vì nhiều gia đình giảm thu nhập, kinh tế khó khăn nên bà con cân nhắc, cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết.

Đang đi cùng chồng tham quan bộ bàn tròn Inox tại cửa hàng trang trí nội thất Huy Hoàng, bà Thị Lệ, ngụ phường An Hòa, thành phố Rạch Giá chia sẻ: "Tết Nguyên đán 2024, tôi dự tính mua bộ bàn gỗ để giữa nhà tiếp khách và bộ bàn tròn Inox để làm bàn ăn, nhưng mấy tháng gần cuối năm, 2 người con đi làm công nhân ở Bình Dương bị cắt giảm đơn hàng, chỉ làm cầm chừng, thu nhập giảm một nửa nên tôi chỉ mua bộ bàn Inox, không mua bộ bàn giữa như dự tính nữa".

Không chỉ ở thành phố Rạch Giá, tình hình kinh doanh, mua bán của các cửa hàng ở một số chợ nông thôn cũng khá trầm lắng trong nhiều ngày qua. “Cửa hàng đồ gia dụng của tôi cũng như nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác ở đây đều chỉ có lác đát lượng khách đến mua đồ chứ không nhộn nhịp như các mùa bán hàng Tết trước đây. Lượng khách đã ít mà họ còn cân nhắc khi mua các món đồ nữa, chứ không thoải mái mua nhiều món như trước. Tôi nghĩ do tình hình khó khăn chung, bà con tiết kiệm chi tiêu cũng đúng”, chị Nguyễn Thúy Loan, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng cho hay.

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, tỉnh chuẩn bị tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trong tháng Tết Nguyên đán 2024 khoảng hơn 54.000 tấn hàng hóa các loại, với tổng trị giá trên 2.630 tỷ đồng, tăng 9,53% so với cùng kỳ.

Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ lực trong tỉnh như Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Công ty cổ phần Thương mại Kiên Giang, Công ty cổ phần Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang…, tỉnh đã chỉ đạo bảo đảm tiến độ sản xuất, thực hiện dự trữ hàng hóa để kịp thời cung ứng ra thị trường khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Đối với Coopmart Rạch Giá, Coopmart Kiên Giang, Coopmart Hà Tiên, CICmart Rạch Sỏi, Mega Market Rạch Giá, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Rạch Giá, hệ thống Winmart, hệ thống Bách hóa Xanh… chủ động nguồn hàng dự trữ, giá cả hợp lý và đúng theo nhà cung cấp đưa ra. Đồng thời, triển khai các điểm bán hàng bình ổn, nhằm ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh, nhất là mặt hàng thịt lợn, tránh xảy ra tình trạng tăng giá mất kiểm soát thời điểm sát Tết.

Đối với Sở Công Thương Kiên Giang thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, đánh giá sức mua… để chủ động phương án, biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây sốt giá, tăng giá đột biến.

Cùng đó, ở Công Thương Kiên Giang phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về giá, chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại… kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, ông Trương Văn Minh nhấn mạnh.

Tin liên quan

  • Hơn 1,2 triệu giỏ hoa cho thị trường Tết Thị trường

    Hơn 1,2 triệu giỏ hoa cho thị trường Tết

    10:04' - 29/01/2024

    Vụ hoa Tết Giáp Thìn 2024, nông dân trồng hoa ở các địa phương của tỉnh Tiền Giang như Thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông… trồng khoảng 1.151.890 giỏ hoa các loại.

  • Đậm đà nước mắm truyền thống Cà Ná Thị trường

    Đậm đà nước mắm truyền thống Cà Ná

    08:12' - 28/01/2024

    Làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná được cả nước biết đến từ lâu. Toàn huyện hiện có trên 100 cơ sở sản xuất nước mắm nằm dọc hai bên quốc lộ 1A của hai xã Cà Ná, xã Phước Minh và xã Phước Diêm.

  • Hàng hóa Tết 2024 giảm sâu "chạy đua" doanh số Thị trường

    Hàng hóa Tết 2024 giảm sâu "chạy đua" doanh số

    11:54' - 25/01/2024

    Mặc dù còn khoảng 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đã tung chiến lược giảm giá sâu đa dạng ngành hàng, nhóm sản phẩm phục vụ thị trường Tết.


Tin cùng chuyên mục