"Sức nóng" của cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc

06:30' - 15/10/2021
BNEWS Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang lan sang toàn thế giới và gây nhiều trở ngại cho các "tế bào" kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Ngành công nghiệp vận tải đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn. Ảnh: Canadian Press/TTXVN

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang lan sang toàn thế giới và gây nhiều trở ngại cho các "tế bào" kinh tế trên quy mô toàn cầu, từ tập đoàn Toyota Motor cho tới những người chăn cừu ở Australia hay các công ty sản xuất thùng giấy.

Cuộc khủng hoảng điện trầm trọng vốn là hậu quả của xu hướng giá than tăng vọt tại Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới - và được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của nước này. Cùng với đó, những tác động trực tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới, vốn đang "oằn mình" chống chọi với đại dịch.

Những diễn biến này xảy ra vào một thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi ngành công nghiệp vận tải hiện đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn, dẫn tới sự trì hoãn những đơn hàng vận chuyển quần áo và đồ chơi cho dịp nghỉ lễ cuối năm. 

Hơn thế nữa, cơn khủng hoảng còn xảy ra khi người Trung Quốc vừa bắt đầu mùa thu hoạch, làm dấy lên nhiều lo ngại về một đợt tăng giá mạnh của hàng hóa.

Louis Kujis, chuyên gia kinh tế học châu Á cấp cao tại trường đại học Oxford, cho biết: "Nếu tình trạng thiếu điện và những đợt cắt giảm sản xuất tiếp tục xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gặp thách thức, nhất là khi những yếu tố này bắt đầu ảnh hưởng tới khả năng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu".

Các nhà kinh tế đã cảnh báo về một nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dữ liệu từ tập đoàn tài chính Citigroup cho thấy những nhà xuất khẩu nguyên vật liệu đầu vào trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, cũng như những nhà xuất khẩu hàng hóa, là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế Trung Quốc yếu đi. 

Ở góc độ khu vực, những nền kinh tế khác như vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng sẽ nhạy cảm với sự thay đổi này, trong khi những quốc gia xuất khẩu kim loại như Australia và Chile, cùng những đối tác thương mại chính của Trung Quốc như Đức, cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng.

Lúc này câu hỏi được đặt ra là liệu những nhà sản xuất và bán lẻ sẽ "gánh" phần chi phí tăng cao hay họ sẽ chuyển những chi phí này sang người tiêu dùng trên toàn cầu.

Craig Botham, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc hãng nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, nhận định: "Thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cú sốc lạm phát. Xu hướng giá tăng cao đang xảy ra trên diện rộng. Điều này phản ánh sức ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Các nhà kinh tế học tại ngân hàng Societe Generale SA cho rằng nhờ những phản ứng quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc, "giai đoạn tồi tệ nhất của cơn khủng hoảng năng lượng này có thể sẽ sớm kết thúc". 

Tuy nhiên, cũng theo những nhà kinh tế học này, kế hoạch giảm sử dụng điện trong những ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng nhất như sản xuất thép, nhôm và xi-măng có thể sẽ tiếp tục trong nhiều tháng. Trong khi đó, việc Trung Quốc tiếp tục gắt gao tìm kiếm nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên cũng sẽ là yếu tố làm gia tăng áp lực về giá trên toàn cầu.

Thực tế cho thấy một số ngành công nghiệp đã bắt đầu chịu áp lực, và những hiệu ứng này có thể sẽ lan truyền sang nhiều khu vực khác, bao gồm ngành công nghiệp sản xuất giấy, thực phẩm, vải bông, công nghệ… Dưới đây là những phân tích cụ thể:

* Ngành công nghiệp sản xuất giấy

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử, gián tiếp đặt áp lực lên các nhà máy sản xuất hộp bìa cứng và vật liệu đóng gói do nhu cầu tăng vọt. 

Tuy nhiên, lệnh đóng cửa tạm thời tại Trung Quốc đã khiến hoạt động này bị gián đoạn và có nguy cơ đối mặt với sự sụt giảm nguồn cung từ 10-15% trong tháng Chín và tháng Mười, theo số liệu của công ty dịch vụ tài chính Rabobank. Điều này sẽ tạo ra tác động phức tạp hơn cho những doanh nghiệp vốn đã chịu ảnh hưởng từ sự khan hiếm giấy trên toàn cầu.

* Ngành công nghiệp thực phẩm

Giữa bối cảnh giá lương thực đang tăng cao, cơn khủng hoảng năng lượng đã khiến tình hình lạm phát trở nên trầm trọng hơn.

Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm chịu nhiều rủi ro khi cuộc khủng hoảng năng lượng đặt ra những thách thức đối với vụ thu hoạch của người nông dân tại Trung Quốc, quốc gia có sản lượng nông nghiệp lớn nhất thế giới. 

Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao và đã xuất hiện những lo lắng ngày càng tăng về việc tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc gặp khó khăn trong việc xử lý các loại cây trồng từ ngô, đậu tương đến lạc và bông.

Trong những tuần gần đây, nhiều nhà máy đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng để tiết kiệm điện, trong đó có nhà máy chế biến thức ăn cho gia súc và dầu sử dụng trong nấu ăn. Giá phân bón, một trong những yếu tố quan trọng nhất của ngành nông nghiệp, đang tăng vọt và một lần nữa đè nặng chi phí lên vai những người nông dân vốn đã phải hứng chịu khó khăn từ môi trường giá cả nói chung tăng cao.

Trong khi đó, đối với việc sản xuất các sản phẩm làm từ sữa, các đợt cắt điện có thể gây gián đoạn hoạt động của dây chuyền máy móc sản xuất sữa, còn những nhà cung cấp thịt lợn sẽ gặp phải nhiều áp lực trong việc vận hành các kho đông lạnh.

* Ngành công nghiệp vải bông

Bên ngoài Trung Quốc, những người chăn cừu tại Australia đang lo ngại nhu cầu tiêu thụ vải bông tại các đợt đấu giá sẽ sụt giảm. Theo báo cáo của tập đoàn truyền thông nước này Australian Broadcasting Corp. (ABC), sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc trong ngành này đã giảm tới 40% do những đợt cắt điện trong tuần vừa rồi.

* Các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ

Giới công nghệ cũng có thể sẽ chịu một đợt ảnh hưởng lớn, bắt nguồn từ vai trò của Trung Quốc là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới từ iPhone tới các máy chơi trò chơi điện tử và là nơi cung cấp dịch vụ đóng gói sản phẩm chất bán dẫn được sử dụng trong xe hơi và thiết bị gia dụng chủ chốt.

Nhiều công ty đã bắt đầu có những khung thời gian không làm việc tại cơ sở ở Trung Quốc nhằm tuân thủ giới hạn ở địa phương. Pegatron Corp., một đối tác chủ chốt của Apple, cho biết trong tháng vừa qua họ đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng, trong khi ASE Technology Holding Co., công ty đóng gói chip lớn nhất thế giới, cũng đã phải ngừng dây chuyền sản xuất trong nhiều ngày.

Các chuyên gia cho rằng nếu tình trạng thiếu năng lượng trở nên tồi tệ hơn, ngành công nghiệp này có thể tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung trong mùa mua sắm hết sức quan trọng diễn ra vào cuối năm nay. Những "gã khổng lồ" như Dell Technologies và Sony Group cũng sẽ chịu ảnh hưởng, sau khi đại dịch đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chip toàn cầu dự kiến kéo dài đến năm 2022 và có thể sẽ lâu hơn.

* Nhà sản xuất xe hơi

Nguy cơ thị trường chất bán dẫn trở nên xấu đicó thể sẽ tạo ra thêm khó khăn cho các công ty sản xuất xe hơi vốn đã chứng kiến sản lượng sụt giảm do cuộc khủng hoảng nguồn cung chip. 

Ngành công nghiệp này cho tới nay là đối tượng ít chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Toyota - hãng sản xuất 1 triệu xe hơi mỗi năm tại Trung Quốc qua những nhà máy đặt tại Thiên Tân và Quảng Châu - cho biết, một số quy trình sản xuất của họ đã chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các đợt cắt điện tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục