Tác động của COVID-19 lên nền kinh tế Pháp qua những con số

06:30' - 24/03/2021
BNEWS Mười hai tháng sau đợt phong tỏa quốc gia lịch sử, những làn sóng tấn công của đại dịch COVID-19 vẫn nối tiếp nhau, trong bối cảnh Pháp tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội.

Cách đây đúng một năm, nước Pháp bước vào đợt phong tỏa quốc gia lịch sử. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo: "Cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này sẽ gây ra những hậu quả lớn về con người, xã hội và kinh tế".

Mười hai tháng sau lời cảnh báo này, những làn sóng tấn công của đại dịch COVID-19 vẫn nối tiếp nhau, trong bối cảnh Pháp tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội. Các số liệu thống kê được công bố là một phương tiện để đo lường mức độ thiệt hại mà cuộc khủng hoảng này gây ra cho nền kinh tế Pháp.

GDP giảm 8,3%

Chỉ số đầu tiên cần phải đề cập là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức giảm 8,3% trong năm 2020 là thiệt hại lớn nhất từng được ghi nhận kể từ khi Cơ quan Thống kê quốc gia INSEE bắt đầu ghi nhận chỉ số này vào năm 1946. Kỷ lục trước đó là năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với mức giảm 2,9%.

Sự sụt giảm nghiêm trọng diễn ra trong quý II/2020 (-13,7%), do hậu quả của đợt phong tỏa quốc gia đầu tiên vào mùa Xuân. Đợt phong tỏa thứ hai vào mùa Thu ít nghiêm ngặt hơn, do đó suy thoái cũng bớt đi và dừng lại ở mức giảm 11%.

320.200 việc làm bị mất

Còn về hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế đối với việc làm, lĩnh vực vốn được dư luận quan tâm đặc biệt? Để tìm hiểu vấn đề này, tốt hơn là dựa vào ước tính về số lượng việc làm bị mất do cuộc khủng hoảng hơn là số lượng người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp được INSEE đo lường đã thực sự giảm vào cuối năm 2020, xuống còn 8%. Như vậy là ít hơn 1,1 điểm trong ba tháng và ít hơn 0,1 điểm trong một năm. Nhưng sự sụt giảm này không chính xác, liên quan đến các lý do thống kê: những người không chủ động tìm kiếm việc làm trong thời gian phong tỏa nằm ngoài tiêu chí thất nghiệp.

Số lượng công việc bị mất trong khu vực kinh tế tư nhân phản ánh thực tế chính xác hơn. Đó là 320.200 lao động đã bị mất việc làm tại Pháp vào năm 2020, theo INSEE. Con số mới nhất này làm giảm bớt sự lo lắng trong dư luận, khi vào cuối năm 2020 INSEE đã ước tính đến 600.000 việc làm bị mất. Việc phục hồi các hoạt động kinh tế trong quý IV/2020, được đánh giá là tốt hơn so với dự kiến, đã giúp hạn chế thiệt hại.

Người Pháp tăng tiết kiệm thêm 111 tỷ euro

Tính trung bình, cuộc khủng hoảng không làm giảm sức mua của người Pháp. Khi không thể đi du lịch trong 12 tháng qua, người Pháp đã có thể tăng các khoản tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm từ 4,6% thu nhập vào năm 2019 đã lên đến 12,1% vào năm 2020. Do đó, người Pháp đã để dành thêm 111 tỷ euro (132 tỷ USD) vào năm 2020 so với năm 2019.

Tuy nhiên, con số trung bình này ẩn chứa sự chênh lệch lớn. Tác động của cuộc khủng hoảng không giống nhau giữa những người có thu nhập được bảo toàn, chẳng hạn như người nghỉ hưu và nhân viên văn phòng có thể làm việc từ xa, và những người đã bị rơi vào tình trạng thất nghiệp một phần, những người không có khả năng làm thêm giờ, hoặc tệ hơn nữa là những người không thể tìm được việc làm hoặc mất hợp đồng ngắn hạn do khủng hoảng.

Ngân sách thâm hụt thêm 85 tỷ euro so với dự kiến

Ít hoạt động kinh tế hơn, viện trợ Nhà nước nhiều hơn cho các lĩnh vực khó khăn... khiến thâm hụt ngân sách Nhà nước tăng lên trong năm 2020. Con số khổng lồ 178 tỷ euro đã được ghi nhận, tăng cao so với ước tính ban đầu 93 tỷ euro được đưa ra vào đầu cuộc khủng hoảng.

Dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình, đó là mức thâm hụt thậm chí còn sâu hơn - tới 30 tỷ euro - so với năm 2010, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xuất khẩu giảm 15,8%

Về thương mại quốc tế, các con số rất tồi tệ. Sau khi tăng 3,5% trong năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Pháp đã giảm gần 15,8% năm 2020, nhiều hơn so với trung bình các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro (-11%). Nhập khẩu cũng giảm, nhưng ít hơn một chút (-13%). Kết quả là thâm hụt thương mại của Pháp năm 2020 rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2012, ở mức 65,2 tỷ euro.

Một phần nguyên nhân liên quan đến sự sụp đổ của xuất khẩu hàng không (-45%) và ô tô (-18,7%). Pháp mất 82 tỷ euro xuất khẩu, trong đó 35 tỷ euro riêng cho phương tiện vận tải. Riêng xuất khẩu dược phẩm tăng ở mức 4,7%.

Sản xuất chế tạo giảm 2,6%

Số liệu sản xuất công nghiệp cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Sau khi giảm gần 28% trong đợt phong tỏa đầu tiên, hoạt động sản xuất công nghiệp nhanh chóng được khởi động lại. Vào tháng 1/2021, ngành này thậm chí còn tăng 3,3% so với tháng trước và chỉ giảm 2,6% so với trước khủng hoảng.

Doanh thu du lịch giảm 41%

Về dịch vụ, một lĩnh vực đã bị ảnh hưởng đặc biệt trong 12 tháng qua là du lịch. Pháp đã mất 61 tỷ euro doanh thu du lịch trong năm 2020 so với năm 2019, giảm xuống còn 89 tỷ euro, theo đánh giá ban đầu của Cơ quan phát triển du lịch Atout France. Doanh thu từ du lịch quốc tế thậm chí đã giảm 56%, do du khách nước ngoài, nhất là người châu Á, đã vắng mặt kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế.

Số vụ phá sản kinh doanh giảm 38%

Một nghịch lý trong một thời kỳ khủng hoảng, khi nền kinh tế gần như ngưng trệ trong vài tháng, năm 2020 được đánh dấu bằng số lượng phá sản kinh doanh thấp nhất trong 30 năm qua. Theo công ty dữ liệu Altares, chỉ có 32.200 công ty làm thủ tục phá sản trong năm 2020, ít hơn 20.000 so với năm 2019.

Nguyên nhân là Nhà nước đã tung ra các viện trợ khẩn cấp để giữ vững cơ cấu kinh tế, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp một phần, quỹ đoàn kết, cho vay có bảo lãnh, tạm hoãn tổng kết tài chính... Tất cả các biện pháp này đã giúp bảo tồn nhiều doanh nghiệp.

Chỉ số tinh thần người Pháp giảm 9 điểm

Cuối cùng, một chỉ số không tăng trở lại một năm sau lần phong tỏa đầu tiên, đó là tinh thần của người Pháp. Niềm tin hộ gia đình được INSEE đo lường ở mức 91, nghĩa là thấp hơn 9 điểm so với mức trung bình dài hạn.

Với lệnh giới nghiêm, các đợt phong tỏa địa phương, sự chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng và các báo cáo hàng tuần về dịch bệnh không được cải thiện, sự mệt mỏi càng tăng cao và sự bi quan bắt đầu lan tỏa. Theo INSEE, tỷ lệ hộ gia đình đang lo lắng về việc làm "tiến gần đến mức lịch sử của tháng 6/2009", trong khi số hộ gia đình cho rằng cần phải tiết kiệm tiền "vẫn ở mức cao nhất trong lịch sử"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục