Tác động của luật chống phá rừng của EU đối với ngành dầu cọ

05:30' - 18/10/2024
BNEWS Để hỗ trợ hơn nữa việc truy xuất nguồn gốc hiệu quả, việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến và giá cả phải chăng là điều cần thiết.
Theo bài viết đăng trên trang mạng của Viện Lowy (Australia), ngành công nghiệp dầu cọ cần nhanh chóng thích ứng với những quy định bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe từ các quốc gia phương Tây. Đây là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi nỗ lực của cả khu vực.

Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đang trong "tâm bão". Ngành công nghiệp dầu cọ của nước này phải đối mặt với sự gián đoạn đáng kể khi Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Quy định về sản phẩm không phá rừng (EUDR) vào năm ngoái. Đây là một cột mốc quan trọng trong chính sách thương mại toàn cầu, nhằm giảm thiểu nạn phá rừng do các mặt hàng nông sản, như dầu cọ gây ra, và yêu cầu những nhà cung cấp phải đưa ra được bằng chứng chứng minh tính bền vững về môi trường trong các sản phẩm của họ.

Mặc dù EUDR giúp giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái cấp bách, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức phức tạp đối với thương mại quốc tế, phát triển kinh tế và sinh kế của hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ.

Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về khả năng mất quyền tiếp cận thị trường EU. Điều này có thể gây ra hậu quả sâu rộng cho cộng đồng nông thôn và nền kinh tế Indonesia nói chung. Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, cũng đưa ra lo ngại về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng của mình.

 
Trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng, môi trường pháp lý cũng bắt đầu thay đổi. Ban đầu EUDR dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2024, nhưng hiện đã bị Ủy ban châu Âu (EC) trì hoãn. Theo đó, các công ty lớn sẽ có thời hạn kéo dài đến tháng 12/2025 để tuân thủ quy định, trong khi những doanh nghiệp nhỏ được gia hạn đến tháng 6/2026. Quyết định này và việc ban hành hướng dẫn tuân thủ mới đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ các bên liên quan.

Các tổ chức môi trường đã bày tỏ ý kiến phản đối về đề xuất trì hoãn EUDR của EC. Bà Julian Oram thuộc tổ chức Mighty Earth lập luận rằng sự trì hoãn là một hành động phá hoại môi trường, gây ra sự tàn phá nhiều hơn đối với các khu rừng nhiệt đới và ảnh hưởng tiêu cực tới con người cũng như động vật hoang dã. Liên minh Rừng nhiệt đới cũng bày tỏ quan điểm không hài lòng, coi quyết định trì hoãn của EC là sự mâu thuẫn với các cam kết của EU trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học toàn cầu, tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc mở lại các quy định và chỉ thị quan trọng như một phần của Thỏa thuận Xanh của EU.

Tuy nhiên, chính phủ và ngành nông nghiệp Indonesia đã thể hiện sự ủng hộ đối với EUDR trên phạm vi quốc tế, mặc dù vẫn thận trọng do lo ngại về việc đánh giá tiêu chuẩn và các quy trình khác. Indonesia đã đề nghị hoãn EUDR thêm hai năm thay vì 12 tháng như đề xuất của EC. Tương tự, Giám đốc điều hành của Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) Belvinder Sron mô tả quyết định trì hoãn là một bước đi hợp lý, mang lại sự yên tâm cho các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho những yêu cầu pháp lý phức tạp của EUDR.

Các yêu cầu chính của EUDR nằm ở vấn đề truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch – một thách thức đáng kể đối với ngành dầu cọ của Indonesia và Malaysia. Chuỗi cung ứng dầu cọ của hai quốc gia này phụ thuộc nhiều vào các hộ nông dân nhỏ lẻ, chiếm lần lượt 41% và 27%. Nhiều người trong số họ thiếu công nghệ và nguồn lực cần thiết để triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn do nhiều nhà sản xuất dầu cọ thiếu nhận thức về EUDR và những tác động của quy định. Khoảng cách kiến thức này nêu bật nhu cầu cấp thiết về các chương trình đào tạo và phổ biến thông tin sâu rộng, giúp ngành này bắt kịp với những yêu cầu mới.

Việc thiết lập các trung tâm kiến thức là điều cần thiết để cung cấp thông tin toàn diện về những yêu cầu của EUDR, bao gồm cả sự phức tạp của quy trình chứng nhận và tiêu chuẩn tuân thủ. Một nghiên cứu của Viện Môi trường Stockholm đề xuất rằng các trung tâm này có thể hoạt động như những nền tảng năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho các buổi đào tạo và hội thảo, cung cấp cho những hộ nông dân sản xuất nhỏ trải nghiệm học tập thực tiễn phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ. Hơn nữa, bằng cách phổ biến các tài liệu giáo dục đã bản địa hóa, những trung tâm này đảm bảo rằng thông tin liên quan có thể được tiếp cận và dễ hiểu bởi tất cả các bên liên quan.

Để hỗ trợ hơn nữa việc truy xuất nguồn gốc hiệu quả, việc cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến và giá cả phải chăng là điều cần thiết. Một cách tiếp cận đầy hứa hẹn liên quan đến việc phát triển các công cụ định vị địa lý thân thiện với người dùng, có thể trao quyền cho các chủ sở hữu nhỏ lập bản đồ chính xác các lô đất của họ. Điều quan trọng là các giải pháp công nghệ này phải được thiết kế để tích hợp liền mạch với những hoạt động nông nghiệp hiện có, giảm thiểu sự gián đoạn và đảm bảo rằng các hộ sản xuất nhỏ có thể áp dụng những hệ thống mới mà không cần cải tiến các phương pháp đã có của họ.

Ví dụ, một nhóm nông dân ở tỉnh miền Trung Kalimantan của Indonesia đã tham gia cuộc thử nghiệm kéo dài bốn tháng của ứng dụng ITraceability do PT Surveyor Indonesia phát triển. Mặc dù có những thắc mắc và lo ngại ban đầu, nhưng theo thời gian, các hộ sản xuất nhỏ bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc trái cây tươi (FFB).

Ngoài những tiến bộ về công nghệ, khuyến khích là một giải pháp quan trọng để đảm bảo rằng các cam kết dẫn đến việc thực hiện và hành động trên thực tế. Các nghiên cứu điển hình từ Malaysia và Indonesia chứng minh rằng nhiều biện pháp khuyến khích có thể hỗ trợ hiệu quả cho các hộ sản xuất nhỏ trong việc sản xuất dầu cọ bền vững. Những ưu đãi này bao gồm bồi thường trực tiếp bằng tiền mặt cho chi phí chứng nhận hoặc chi phí pháp lý, cũng như đào tạo về các công nghệ cụ thể.

Sự kết hợp các ưu đãi thường mang lại kết quả tốt nhất và một khi thành công có thể dẫn đến việc thu hút các chủ sở hữu nhỏ hoặc hợp tác xã vào những cấu trúc tài chính sáng tạo, các phương pháp tiếp cận theo thẩm quyền, v.v.

Việc trì hoãn EUDR sẽ là điều cần thiết khi Indonesia, Malaysia và EU đang trong quá trình điều chỉnh tình hình phức tạp về quy định môi trường, phát triển kinh tế và thương mại quốc tế. Bằng cách thiết lập các trung tâm kiến thức, áp dụng công nghệ đổi mới và giá cả phải chăng, cũng như triển khai các ưu đãi tài chính, những quốc gia này sẽ có thể tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa về các hoạt động bền vững nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với trách nhiệm môi trường. Sự cân bằng đạt được trong giai đoạn chuyển tiếp này có thể định hình lại không chỉ các nền kinh tế khu vực mà còn cả cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại nạn phá rừng và thúc đẩy những hoạt động bền vững trong các ngành nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục