Tác động lan tỏa từ chính sách tăng lương của McDonald’s

06:30' - 21/07/2021
BNEWS McDonald's thông báo đã tăng trung bình 10% lương cho nhân viên tại 650 nhà hàng thuộc sở hữu của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh này bắt đầu từ cuối tháng Sáu vừa qua,

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và nhóm vận động về quyền của người lao động như "Fight for 15" đã kêu gọi việc tăng lương tối thiểu cho những người làm việc tại nhà hàng bán đồ ăn nhanh lên 15 USD/giờ. Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's, cũng như các thương hiệu đồ ăn nhanh khác, đã rơi vào tâm điểm tranh cãi về lương này.

Với mô hình nhượng quyền, lương và các chế độ đãi ngộ của nhân viên phụ thuộc vào bên quản lý và sở hữu cửa hàng nhượng quyền chứ không phải của McDonald's. Tuy nhiên, do mối quan hệ chặt chẽ giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, quyết định tăng lương của một trong hai bên có thể có những tác động phức tạp.

* Áp lực về mức lương tối thiểu

Vào tháng Năm, McDonald's đã thông báo tăng trung bình 10% lương cho nhân viên tại 650 nhà hàng thuộc sở hữu của McDonald's bắt đầu từ cuối tháng Sáu. Các nhân viên mới vào làm sẽ được trả lương khoảng 11-17 USD/giờ và quản lý các ca sẽ nhận được 15-20/giờ, tùy theo từng cơ sở. Công ty cho biết, mức lương trung bình cho nhân viên tại các nhà hàng thuộc sở hữu của công ty sẽ là 15 USD/giờ vào năm 2024.

Mặc dù chính sách tăng lương này chỉ có hiệu lực tại các cơ sở mà McDonald’s sở hữu và điều hành, công ty khuyến khích các nhà nhượng quyền khác cũng hành động tương tự. Khoảng 13.000 nhà hàng mang thương hiệu McDonald’s là cơ sở nhượng quyền, với khoảng 800.000 nhân viên. "Gã khổng lồ" chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này đã nhượng quyền thương mại 95% nhà hàng của họ ở Mỹ.

McDonald’s nằm trong số các chuỗi nhà hàng vượt qua đại dịch với tình hình tài chính tương đối vững chắc. Công ty đã tăng giá thực đơn thêm khoảng 4%, và để ngỏ khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà điều hành nhà hàng nhượng quyền.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành McDonald's Chris Kempczinski cho biết, công ty quyết định bơm khoảng 1 tỷ USD vào hệ thống của mình hồi đầu năm nay, sau khi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã trôi qua. Liên quan đến vấn đề tăng lương, ông Kempczinski cho rằng mức lương của người lao động đang tăng lên vì nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo các chuyên gia về thị trường lao động, động thái của McDonald’s sẽ gây áp lực cho các bên được nhượng quyền. Laura Padin, luật sư cấp cao của nhóm vận động thuộc Dự án Luật Việc làm Quốc gia, cho biết: "Điều này sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các bên được nhượng quyền để họ hành động tương tự".

Tuy nhiên, ngành nhượng quyền thương mại đã thể hiện rõ quan điểm của họ, đó là cả mức lương tối thiểu và mức trần nên do chủ sở hữu nhà hàng đặt ra. Matt Haller, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Quốc tế, cho biết những người nhận quyền nên là bên đưa ra quyết định về tiền lương, bởi có sự khác biệt lớn về chi phí giữa các đô thị và khu vực nông thôn.

Theo ông Haller, các chiến dịch thúc đẩy một mức lương thống nhất đang tìm cách thuyết phục công luận rằng mô hình kinh doanh nhượng quyền trên thực tế là một mô hình công ty. Những người ủng hộ chiến dịch này đang cố gắng biến các chuỗi cửa hàng hay khách sạn như McDonald’s, Dunkin Donuts, hoặc Hilton Hotels, thành mô hình một công ty, nhưng thực tế đây là một tập hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh dưới một thương hiệu chung.

* Giải pháp để giữ chân người lao động

Trên thực tế, McDonald’s đang phải đối mặt với một "cuộc chiến" khốc liệt với các công ty thâm dụng nhóm lao động mức lương thấp khác. Những thương hiệu đồ ăn nhanh như McDonald’s and Chipotle phải cạnh tranh gay gắt với những "gã khổng lồ" trong lĩnh vực bán lẻ như Amazon, Walmart và Target để thu hút người lao động.

Tom Locke, Giám đốc công ty TomTreyCo sở hữu 45 nhà hàng nhượng quyền McDonald's ở Pennsylvania, Tây Virginia và Đông Bắc bang Ohio (Mỹ), đã quyết định tăng lương cho nhân viên kể từ tháng 4/2021 do tình trạng thiếu lao động khi các hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19.

Hồi đầu năm, ông Locke đã tìm cách giảm bớt các món trong thực đơn để tăng lợi nhuận, nhưng tình trạng thiếu nhân sự ngày càng trầm trọng. Mỗi tháng, trung bình khoảng 250 nhân viên nghỉ việc và số lượng lao động mới cần đào tạo cũng ở mức tương tự. Trong ngành nhà hàng, tỷ lệ thôi việc (turnover rate) - tỷ lệ số lao động nghỉ việc trên số lao động bình quân - ở mức trên 100% là khá phổ biến. Ông Locke cho biết, việc khó nhất là tuyển dụng, giữ chân và đào tạo những người giỏi.

Vào cuối tháng Ba, Heidi - quản lý một nhà hàng McDonald's ở Coventry Township, bang Ohio, chia sẻ với ông Locke rằng mặc dù cơ sở này đã đạt doanh thu kỷ lục 18.000 USD chỉ trong một ngày, nhưng ca làm việc của cô kéo dài 12 tiếng. Có những ngày cô chỉ ngủ 3 tiếng trên ô tô thay vì lái xe nửa tiếng để về nhà.

Trước tình trạng này, ông Locke đã tham khảo ý kiến của các nhà quản lý và nhóm lãnh đạo, đồng thời đánh giá về tác động chi phí và lợi nhuận đối với công ty. Kể từ tháng Tư, ông đã tăng lương cho những nhân viên lên 13 USD/giờ, và các quản lý nhà hàng sẽ nhận được 20 USD/giờ. Mức lương này cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Kể từ khi tăng lương cho người lao động, số người nghỉ việc đã có xu hướng giảm mạnh. Để bù đắp chi phí cao hơn, ông Locke đã tăng giá một chút, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là tầm nhìn dài hạn và là một mô hình kinh doanh hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục