Tái chế cho xanh hóa môi trường

08:06' - 11/02/2024
BNEWS Bước vào năm 2024, các chuyên gia đang quan sát 9 xu hướng đang thu hút được sự chú ý như kinh tế tuần hoàn, công nghệ tái chế tiên tiến, tái chế rác thải điện tử, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần. ,

Hầu hết mọi người đều bước vào Năm mới trong tâm lý kỳ vọng, phấn khởi với rất nhiều thứ mới: quần áo mới, đồ dùng mới và hàng loạt kế hoạch mới trong năm. Các doanh nghiệp cũng như những gia đình đều sẵn sàng “nhấn nút” làm mới và khởi động Năm mới với những điều tốt nhất.

Tuy nhiên, việc thử những điều mới mẻ thường đồng nghĩa với việc loại bỏ những thứ cũ và điều đó không giúp ích gì cho vấn đề rác thải nhựa đang gây nhức nhối cho toàn cầu.

 

Để giữ mọi thứ thân thiện với môi trường và đảm bảo các doanh nghiệp vẫn tuân thủ luật Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - một công cụ chính sách để đảm bảo rằng những người sản xuất và nhập khẩu sản phẩm vào thị trường phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm do họ sản xuất ra, việc thúc đẩy hoạt động tái chế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của quản lý chất thải rắn, bao gồm việc bảo tồn các nguồn tài nguyên có giá trị và giảm tiêu thụ năng lượng cũng như sử dụng những bãi chôn lấp. Trên thực tế, khi chúng ta tái chế và tái sử dụng những vật liệu như bao bì nhựa thì chúng ta sẽ giảm được nhu cầu khai thác tài nguyên và các quy trình sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng cho môi trường.

Đồng thời, tái chế cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo thêm việc làm. Nó cũng thúc đẩy văn hóa bền vững, nơi các nhà sản xuất và hộ gia đình cùng tham gia áp dụng các giải pháp xanh hơn để bảo tồn hành tinh.

Bước vào năm 2024, các chuyên gia đang quan sát 9 xu hướng đang thu hút được sự chú ý: 

1. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn, trong đó các sản phẩm và vật liệu được thiết kế để tái sử dụng và tái chế, đang ngày càng phát triển. Các chính phủ cũng đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các sáng kiến tuần hoàn. Với sự phát triển của công nghệ, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục giúp giảm chất thải, thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và xây dựng một tương lai tái tạo vào năm 2024 và xa hơn thế nữa.

2. Công nghệ tái chế tiên tiến

Những đổi mới trong công nghệ tái chế, chẳng hạn như tái chế hóa chất và các giải pháp biến chất thải thành năng lượng, dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc giảm tác động môi trường của việc xử lý chất thải.

Ngày càng có nhiều công ty sử dụng sự trợ giúp của dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xây dựng các giải pháp nhanh chóng và chính xác có thể phân hủy nhựa và các vật liệu khác một cách nhanh hơn và an toàn hơn.

3. Giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần

Nhiều khu vực và doanh nghiệp đang thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các hạn chế và cấm sử dụng nhựa dùng một lần để giảm ô nhiễm nhựa. Tại Philippines (Phi-líp-pin), hầu hết các đơn vị chính quyền địa phương đều khuyến khích người dân sử dụng túi sinh thái cho nhu cầu mua sắm của họ. Với việc các chính quyền địa phương thực hiện các quy định và thực hành bền vững hơn, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024.

4. Tái chế rác thải điện tử

Với việc sử dụng thiết bị điện tử ngày càng tăng, ngày càng nhiều quốc gia tập trung vào việc tái chế chất thải điện tử để thu hồi các vật liệu có giá trị và giảm tác động đến môi trường của chất thải điện tử. Đây là xu hướng mới nổi do sự phát triển mới của công nghệ và các thiết bị xử lý rác thải điện tử. Trên thực tế, lĩnh vực này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý, đặc biệt là ở Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), nơi sản xuất hầu hết các linh kiện và thiết bị điện tử. Các chuyên gia hy vọng sẽ có thêm các thông tin và luật hỗ trợ quản lý rác thải điện tử trong những năm tới.

5. Sự tham gia của người tiêu dùng

Nhận thức của công chúng về tái chế và tính bền vững đang ngày càng gia tăng. Trên thực tế, với sự trợ giúp của mạng xã hội và Internet, các chiến dịch tin tức và môi trường đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều để tiếp cận người dân trên toàn cầu. Điều này đã tạo ra những người tiêu dùng có ý thức xã hội, những người tích cực tìm kiếm và hỗ trợ các công ty đầu tư vào quản lý môi trường. Trong năm 2024, các cơ quan chức năng có thể sẽ chú trọng hơn vào giáo dục người tiêu dùng và sự tham gia của họ để thúc đẩy thói quen tái chế có trách nhiệm. 

6. Các sáng kiến mang tính địa phương và dựa vào cộng đồng

Cộng đồng và chính quyền địa phương đang ngày càng thực hiện các sáng kiến để quản lý và xử lý chất thải tại địa phương, giảm nhu cầu vận chuyển rác tái chế đường dài. Giữa bối cảnh lũ lụt và thiên tai gia tăng, các chính quyền địa phương và nhận thấy cần phải không ngừng cải thiện việc quản lý chất thải để ngăn chặn những hiện tượng này.

7. Bao bì bền vững

Các doanh nghiệp đã khám phá lựa chọn đóng gói bền vững để giảm thiểu tác động môi trường của các sản phẩm của họ. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng nhiều hơn các vật liệu có thể tái sử dụng, phân hủy sinh học hoặc có thể phân hủy. Các tổ chức như Ngân hàng Nhựa đã tạo ra các vật liệu tái chế và tái chế được như nguyên liệu thô Social Plastic, được tích hợp vào các sản phẩm và bao bì mới.

8. Chương trình EPR

EPR đã phát triển bền vững trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, chỉ trong những năm gần đây, chương trình này mới nổi lên như một trong những công cụ chính sách mạnh mẽ nhất mà các chính quyền địa phương và các chính phủ sử dụng. Bằng cách chuyển trách nhiệm tái chế và quản lý chất thải từ người tiêu dùng sang nhà sản xuất, người sản xuất buộc phải nhận thức và chịu trách nhiệm nhiều hơn về tác động tiêu cực đến môi trường mà họ tạo ra. Tất nhiên, chính phủ quốc gia khuyến khích các chương trình EPR này và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.

9. Tài trợ và đầu tư xanh

Dự kiến sẽ có nhiều khoản đầu tư hơn vào cơ sở hạ tầng tái chế và các hoạt động bền vững vì những vấn đề về môi trường trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư. Giữa bối cảnh công chúng ngày càng quan tâm hơn đến những thương hiệu mà họ ủng hộ, các nhà đầu tư rất mong muốn hỗ trợ những doanh nghiệp có thể tạo ra tác động tích cực trong mắt người tiêu dùng. 

Những tiến bộ về công nghệ có khả năng khuếch đại đáng kể các nỗ lực tái chế nhằm giảm nhu cầu toàn cầu về nguyên liệu thô nguyên chất. Các xu hướng trên mang lại nhiều hứa hẹn có thể được cải thiện và nâng cao hơn nữa khả năng tái chế. Việc triển khai những xu hướng mới này vào hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh và tăng cường độ tuân thủ luật EPR.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục