Tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguyên liệu cho thị trường thực phẩm Tết

08:20' - 06/01/2021
BNEWS Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm và các làng nghề tại các địa phương của tỉnh Nghệ An đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường Tết những sản phẩm chất lượng.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm và các làng nghề tại các địa phương của tỉnh Nghệ An đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Tập trung tăng đàn

Ngoài việc đầu tư mở rộng quy mô trang trại lên 3.500m2, gia đình anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ chú trọng nuôi gà sạch, an toàn theo hướng sinh học, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, gia đình anh tích cực vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng và thả nuôi hơn 5.000 con gà phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi ngày xuất bán ra thị trường 4.000 quả trứng, với giá thành 3.000 đồng/quả, đem lại nguồn thu 12 triệu đồng/ngày.

"Trong chăn nuôi gia đình coi trọng các quy trình chọn con giống đảm bảo, môi trường sống sạch sẽ, sử dụng đệm lót sinh học để khử mùi, hạn chế dịch bệnh, phòng dịch đúng quy định, thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng giúp đàn gà phát triển, sinh sản tốt”, anh Cường chia sẻ.

Nhờ ưu tiên khẩu phần dinh dưỡng phù hợp, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi xuất bán nên sản phẩm trứng gà và gà thịt của gia đình anh có đầu ra ổn định, cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt gà cao hơn ngày thường nên giá gà và trứng sẽ cao hơn từ 10 - 15%.

Hiện nay, đàn gia súc gia cầm của huyện Tân Kỳ có số lượng hơn 43.000 con lợn, 52.000 con trâu bò, 1,7 triệu con gia  cầm. Để việc tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi nâng cao ý thức chăm sóc, bảo đảm chất lượng đàn gà thịt; chú trọng phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt; đồng thời, phát triển quy mô nuôi đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhằm đáp ứng nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, việc tái đàn lợn phục vụ thị trường Tết tập trung chủ yếu ở các trang trại đảm an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn và các địa phương kiểm soát quy trình nuôi, phòng, chống dịch bệnh an toàn cho 800.000 con trâu bò, 27 triệu con gia cầm và trên 900.000 con lợn.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh hỗ trợ cho các trang trại được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm với số tiền 25 triệu đồng/sản phẩm, liên kết với các nhà cung ứng tiêu thụ nông sản sạch cho bà con và tiêm phòng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

* Đa dạng các mặt hàng thực phẩm

Thời điểm này, tại các làng nghề ven biển thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu…, các làng nghề truyền thống sản xuất nước mắm, chế biến sản phẩm thủy hải sản cũng đang tất bật vào vụ.

Nổi tiếng với nghề nướng cá thu – sản phẩm dự kiến tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, 50 hộ dân ở khối Hải Giảng 2, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò đang khẩn trương chuẩn bị hàng cho dịp Tết. Không chỉ là nguồn thực phẩm hằng ngày mà sản phẩm cá thu nướng còn trở thành quà biếu bạn bè, người thân trong mỗi dịp Tết đến, gia đình ông Trương Như Hùng đã đầu tư máy ép chân không giúp sản phẩm vừa đẹp mắt vừa bảo đảm chất lượng.

“Trước đây cá thu nướng xong thường chỉ sử dụng trong ngày, nhưng nay sử dụng máy ép chân không nên cá nướng xong được ép và bỏ lại vào kho cấp đông có thể sử dụng trong nhiều tháng. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục thu mua cá tươi, chúng tôi cũng đang chuẩn bị nguồn cá nướng để tích trữ phục vụ hàng Tết. Hiện tại, mỗi ngày có thể tiêu thụ từ 3 – 4 tạ cá, nhưng dịp Tết sản lượng có thể tăng gấp 2 đến 3 lần”, ông Trương Như Hùng cho biết.

Do nguồn tiêu thụ khá ổn định, giá thành cao nên nghề nướng cá đã thu hút hàng trăm lao động. Chị Lê Thị Xuân, gắn bó với công việc nướng cá của gia đình ông Hùng gần 5 năm chia sẻ: Vào vụ chính, nghề nướng cá khá vất vả vì phải làm từ sáng sớm. Những ngày khác, chúng tôi chỉ làm khoảng 6 tiếng và thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày.

Tại Hợp tác xã chăn nuôi bê Nam Nghĩa Đức Tuấn, huyện Nam Đàn, thời điểm này vừa phải tuyển thêm nhân công vừa tìm thêm nguồn nguyên liệu để cung ứng đủ sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Nguyên liệu chính để làm giò me là thịt me (bê) và các gia vị được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ cùng các công đoạn sản xuất công phu.

Để có món giò me ngon, nguyên liệu làm giò được ướp với gia vị từ 8 - 10 tiếng cho vào tủ lạnh ở nhiệt độ 10 độ C, sau đó đóng gói, hấp cách thủy, để nguội và khâu cuối cùng là bảo quản trong tủ đá để cấp đông.

Lấy sức khỏe khách hàng làm tiêu chí tạo nên thương hiệu nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được xưởng sản xuất giò me Đức Tuấn quan tâm và đặt lên hàng đầu. Giò me Đức Tuấn khẳng định thương hiệu với hương vị đặc trưng truyền thống với tiêu chí "3 không" gồm: không chất bảo quản, không hàn the và không phụ gia.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, đây là thời điểm người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro do những tác động bất lợi của thời tiết. Vì vậy, để việc tái đàn, tăng đàn thuận lợi, cung cấp số lượng lớn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Mặt khác, các địa phương khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục