Tái hiện không gian Tết truyền thống tại phố cổ Hà Nội

21:13' - 02/02/2018
BNEWS Chiều 2/2, không gian Tết Việt mang đậm nét truyền thống được tái hiện tại các điểm di tích trong phố cổ Hà Nội.
Trình diễn thư pháp Việt. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Đây là một trong những hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức.

Tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc, người dân và du khách được hoài niệm hương vị Tết truyền thống với không gian thờ của gia đình thành thị và cả gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Dù cách bài trí khác nhau nhưng đều có những lễ phẩm của ngày Tết là mâm cỗ, mâm ngũ quả, cành đào, tranh dân gian.

Hai không gian thờ này thu hút rất đông khách đến tìm hiểu, nhất là những người lớn tuổi. Cũng tại điểm di tích này, Ban Quản lý phố cổ giới thiệu đến du khách dòng tranh Kim Hoàng, trình diễn viết thư pháp và nghệ thuật cây cảnh cùng thú chơi cây cảnh của người Hà Nội trong dịp Tết.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người tham gia thiết kế không gian trưng bày Tết Việt năm nay chia sẻ: “Câu chuyện ban thờ Việt tưởng chừng đơn giản nhưng có những giá trị văn hóa từng bị lãng quên mà bây giờ không phải ai cũng biết. Chúng tôi muốn giới thiệu nội dung, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của từng đồ vật người Việt xưa dùng trong thờ cúng để mọi người hiểu hơn về những giá trị cổ truyền”.

Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây là nơi giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội cũng sắp đặt không gian đón Tết của gia đình Hà Nội xưa với không khí ấm cúng, gần gũi. Đồng thời, nơi này cũng trưng bày, giới thiệu ảnh Tết xưa mang đến cho người xem những nét sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam trong những ngày Tết cổ truyền.

Không gian thờ của gia đình nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ giới thiệu các tác phẩm tranh và chó đá nghệ thuật. Bên cạnh đó, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng giới thiệu âm nhạc truyền thống tại các điểm di tích, gồm: đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào; đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc; đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm; Hội quán Phúc Kiến, 40 Lãn Ông.

Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội khẳng định: Đây là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ về những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô.

Các hoạt động diễn ra đến hết ngày 4/3./.

>>> Danh sách các điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018 trên cả nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục