Tài nguyên kim loại: Tiềm năng thúc đẩy quan hệ Mỹ - Cuba

07:23' - 19/03/2018
BNEWS Mạng tin kinh tế và đầu tư The Motley Fool (Mỹ) nhận định bất cứ chuyên gia kinh tế nào theo dõi Cuba đều có thể chỉ ra sản phẩm xuất khẩu chính của nền kinh tế này là đường mía, xì gà, dược phẩm.
Apple có thể lên tiếng ủng hộ việc cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiếp tục con đường hiện tại sẽ là một cơ hội lớn bị bỏ qua và các doanh nghiệp chính của Mỹ như Apple và Tesla cần phải lên tiếng ủng hộ cho việc cải thiện quan hệ song phương

Bên cạnh đó, đảo quốc Caribe này còn là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về hai kim loại quan trọng của thế kỷ XXI: nikel và cobalt.

Trên thực tế, dù chỉ có diện tích tương đương 1% của Mỹ, Cuba lại có sản lượng cobalt gấp 5,5 lần Mỹ và sở hữu trữ lượng cobalt đứng thứ 3 thế giới. Vì nhiều lý do, đây là những thông số mà các nhà đầu tư và các chính trị gia Mỹ cần ghi nhớ. 

Trước tiên, đó là vì cobalt đã trở thành một trong những thành tố thiết yếu của các pin, ắc quy ion lithium hiện đại; thậm chí cobalt còn chiếm tới 15% khối lượng của nhiều loại pin trong số này (so với khối lượng 1% của lithium) và hiện có giá khoảng 80.000 USD/tấn, so với chỉ 20.000 USD/tấn của lithium.

Ý thức về những rủi ro cao và hạn chế ở cấp độ toàn cầu đối với việc sản xuất kim loại hiếm này đã thúc đẩy “người khổng lồ” công nghệ Apple – hãng thậm chí không phải là nhà sản xuất các sản phẩm lưu trữ năng lượng – tìm kiếm nguồn cung cobalt trực tiếp từ các đối tác khai mỏ. 

Đây cũng được cho là cơ sở biện hộ tốt nhất cho việc cải thiện quan hệ với Cuba. Điều này đặc biệt đúng nếu Mỹ muốn hiện thực cơ hội trở thành nước đi đầu trong sản xuất ô tô điện, năng lượng tái tạo và sản phẩm tích trữ năng lượng

Có thể nói Mỹ là nước có lợi thế địa chính trị lớn nhất hành tinh: từ các sông sâu cho phép phát triển giao thông thủy lộ, các nước láng giềng thân thiện, hai đại dương lớn hai bên và giàu khoáng sản tự nhiên. Nhưng không may là khi nói tới một số kim loại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các loại pin, ắc quy ion lithium, Mỹ lại nằm ở phần dưới của các bảng xếp hạng.

 Mỹ chỉ có trữ lượng 23.000 tấn cobalt, tương đương 0,3% trữ lượng toàn cầu. Trong năm 2017, Mỹ chỉ sản xuất được 650 tấn cobalt từ một mỏ duy nhất tại Michigan. Để so sánh, trong cùng năm, Mỹ đã khai thác từ tái chế được 2.800 tấn. Những con số này, trong bối cảnh cơ sở công nghiệp phát triển của Mỹ, có nghĩa rằng “chú Sam” phải phụ thuộc vào nhập khẩu tới 70% mức tiêu thụ cobalt của mình.

Đây vẫn chưa phải là một vấn đề lớn, nhưng vận động hiện tại của thị trường không quá thuận lợi cho các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu loại kim loại này. 

Có tới 58% sản lượng cobalt thế giới do Cộng hòa dân chủ Congo nắm giữ, trong đó phần lớn tới từ khu mỏ khổng lồ Glencore, nơi trong năm 2017 đã cung cấp tới 25% sản lượng cobalt thế giới, hay 27.000 tấn. 

Con số này dự kiến sẽ tăng lên 42.000 tấn trong năm nay và 63.000 tấn vào năm 2019. Đó là những con số đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư.

Nhưng trở lại với những thống kê đáng lo ngại (cho Mỹ). Chỉ có 17% sản lượng cobalt toàn cầu bắt nguồn từ bán cầu Bắc. 

Nếu loại trừ sản lượng của Philippines và Nga, thì chỉ có 8% sản lượng cobalt toàn cầu đến từ những khu vực tương đối gần Mỹ, và chỉ tập trung vào ba nước: Mỹ, Canada và Cuba. Không quá ngạc nhiên khi Apple đã đưa ra một quyết định bất thường và đầy tranh cãi là bảo đảm nguồn cung cobalt trực tiếp từ các nhà khai mỏ.

 Mỹ vẫn chưa phải là nước sản xuất pin ion lithium lớn trên thế giới, nhưng đã tiếp cận rất gần vị thế này. Siêu nhà máy đầu tiên của Tesla đang tăng dần sản lượng các thiết bị lưu trữ năng lượng cho các ứng dụng di chuyển (ô tô điện) hay cố định tại chỗ (lưu trữ mạng và ắc quy tại nhà).

Đây được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cơ sở sản xuất pin lớn nhất thế giới, với khả năng công bố ban đầu là sản xuất thiết bị có tổng công suất 35 gigawatt/giờ, chưa kể việc lắp ráp các thiết bị có tổng công suất 15 gigawatt/giờ. Chỉ số này tương đương với công suất toàn cầu cách đây vài năm.

 Những tác động xấu của việc thiếu hụt cobalt tại Mỹ có thể bắt đầu lộ diện từ năm nay. Trong bối cảnh siêu nhà máy của Tesla sẽ gia tăng hoạt động sản xuất, và nếu xét tới cả những kế hoạch sản xuất ô tô điện trong tương lai gần, rõ ràng Mỹ sẽ cần tới mọi nguồn cung cobalt mà họ có thể với tới. Và đó chính là lúc Cuba có thể bước vào cuộc chơi.

 Đảo quốc Caribe nhỏ bé này khai thác và sản xuất 4.200 tấn cobalt trong năm 2017 và có trữ lượng đã kiểm chứng 500.000 tấn – cả hai chỉ số đều vượt xa Mỹ. Trên thực tế, Cuba là nước có trữ lượng lớn thứ 3 thế giới và nhà sản xuất thứ 6 thế giới về kim loại này. Đây là một cơ hội tiềm tàng cho “chú Sam” khi thiếu sót về địa chất trong nội bộ lãnh thổ Mỹ được bù trừ bằng sự gần gũi về địa lý với Cuba.

 Cuba thậm chí còn chưa tiệm cận mức năng suất tiềm năng của mình do đang thiếu vốn đầu tư. Cobalt được tách ra như một sản phẩm thứ cấp trong quá trình sản xuất nikel; và tình trạng các cơ sở xử lý quặng và sản xuất nikel của Cuba hiện không còn ở mức tối ưu và khả năng chịu bão không cao.

 Nói một cách khác, một liên doanh nào đó với các doanh nghiệp Mỹ sẵn vốn đầu tư có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó Cuba sẽ nhận được khoản đầu tư rất cần thiết và Mỹ có được một nguồn cung cobalt an toàn và ổn định hơn nhiều so với nguồn cung trong nước.

 Đáng tiếc là cho tới nay, lập trường đối ngoại của Washington đã hạn chế rất nhiều quan hệ thương mại với Cuba. Tiếp tục con đường hiện tại sẽ là một cơ hội lớn bị bỏ qua và các doanh nghiệp chính của Mỹ như Apple và Tesla cần phải lên tiếng ủng hộ cho việc cải thiện quan hệ song phương. Ngược lại, họ sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro lớn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thô mà tới nay các nhà đầu tư vẫn chưa để ý đúng mức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục