Tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được phải xử lý thông qua tòa án

17:11' - 17/10/2018
BNEWS Ngày 17/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và UNDP tổ chức Hội thảo "Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam".

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, thời gian qua, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức 3 hội thảo về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) liên quan đến kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập; mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.

Đây là những vấn đề mang tính cấp thiết còn có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận qua 2 kỳ họp (Kỳ họp thứ Tư và Kỳ họp thứ Năm).

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia bàn sâu về vấn đề liên quan đến tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống tham nhũng với các luật khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; là những thông tin bổ ích để Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Bà Caitlin Wiesen-Antin, Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian qua.

UNDP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam như Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ để hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách, đặc biệt việc thực hiện công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ cấp bách để đáp ứng những đòi hỏi khách quan trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Tuy nhiên, pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam còn nhiều hạn chế: quy định chung chung, khó áp dụng, thiếu cơ chế thực thi...

Theo ông Trần Văn Độ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng chưa được đảm bảo, trong khi đó lại là yêu cầu căn bản trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo dựng môi trường pháp lý an toàn, minh bạch.

Đề xuất phương án hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh đến hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý hành vi và tài sản tham nhũng.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, việc chứng minh về tính hợp lý nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm trong nhiều trường hợp là rất khó khăn, phức tạp do vẫn chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội; hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký chưa hoàn thiện và liên thông...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Độ cho rằng, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không thể giải trình phải được tiến hành thông qua tòa án với các thủ tục tư pháp chặt chẽ, công bằng, minh bạch; đảm bảo tranh tụng giữa các bên và thủ tục này phải được quy định trong văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất là Luật.

Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu đều cho rằng, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm, cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận.

Trường hợp kết luận người đó không giải trình một cách hợp lý thì cơ quan ra quyết định xác định có trách nhiệm chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Việc thu hồi tài sản, thu nhập này cũng không thay thế hoặc loại trừ quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với người không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm nếu họ thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi tham nhũng khác có liên quan…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục