Takeda chi gần 60 tỷ USD mua lại đối thủ nước ngoài Shire

16:14' - 05/12/2018
BNEWS Ngày 5/12, các cổ đông của nhà sản xuất dược phẩm Takeda của Nhật Bản đã thông qua kế hoạch mua lại đối thủ Shire của Ireland với giá gần 60 tỷ USD.

Đây là thương vụ mua lại một công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay mà một công ty Nhật Bản thực hiện.

Quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp cổ đông bất thường diễn ra tại thành phố Osaka, phía Tây Nhật Bản.

88% các cổ đông của Takeda đã bỏ phiếu thông qua thương vụ "khủng này" bất chấp việc một số nhà đầu tư, trong đó có thành viên thuộc gia đình sáng lập Takeda, phản đối kế hoạch trên.

Theo kế hoạch, Takeda sẽ chi trả khoản tiền 58,4 tỷ USD giá trị thương vụ thông qua nhiều hình thức như phát hành cổ phiếu mới, vay ngân hàng và trái phiếu.

Với việc mua lại đối thủ Shire, có trụ sở tại Dublin, Takeda có tham vọng xây dựng mình trở thành tập đoàn dược phẩm lớn thứ 9 thế giới với tổng doanh thu của hai công ty lên tới 24,8 tỷ USD.

Phản ứng trước thông tin trên, cổ phiếu của Takeda đã tăng 1,07%, lên mức 4.240 yen/cổ phiếu trên Sàn giao dịch Tokyo.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Takeda Christophe Weber đã đánh giá cao sự hỗ trợ của các cổ đông của công ty này trong thương vụ mua lại Shire.

Trong khi đó, tuyên bố của Takeda cho biết hiện công ty đang chờ sự thông qua của các cổ đông Shire và việc mua lại Shire dự kiến hoàn tất vào vào đầu năm 2019.

Bất chấp một số ý kiến tỏ ý nghi ngờ thương vụ này là "canh bạc", CEO Weber cho rằng việc tiếp quản đối thủ dược phẩm của Ireland có thể giúp Takeda tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, cạnh tranh tốt hơn, thu lợi nhuận nhiều hơn trong ngành dược phẩm.

Giới chuyên gia nhận định việc mua lại Shire là động thái thông minh của Takeda bởi sẽ giúp Takeda đa dạng hóa sản phẩm của mình, trong khi Shire sở hữu một danh mục gồm các loại thuốc điều trị có thể mang lại lợi nhuận cao.

Đặc biệt, Shire sẽ cho phép Takeda tiếp cận vào việc nghiên cứu và phát triển nhiều loại thuốc điều trị các bệnh về tiêu hóa, tâm lý và các bệnh lạ mà hãng dược phẩm Nhật Bản lâu nay đang tìm kiếm.

Tuy nhiên, một số ý kiến quan ngại rằng thương vụ này quá tốn kém và Takeda sẽ phải gánh các khoản nợ để huy động vốn mua lại Shire.

Theo tính toán, thương vụ mua lại này cũng có thể khiến khoản nợ gồm lãi của Takeda lên tới hơn 44,2 tỷ USD, gấp 10 lần so với thời điểm trước khi sáp nhập.

Dưới sự lãnh đạo của CEO người Pháp Weber, Takeda đang thúc đẩy các thương vụ mua lại đối thủ nước ngoài. Hồi năm 2011, Takeda đã mua lại thành công đối thủ Nycomed của Thụy Sĩ với giá 13,6 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang chịu áp lực trong nước trong bối cảnh chính phủ nước này chủ trương giảm giá một số thuốc biệt dược gốc (brand drug) và chú trọng vào một số thuốc biệt dược (generic drug) giá rẻ nhằm giảm chi phí khám chữa bệnh trong khi xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục