Tâm lý kém lạc quan bao phủ chứng khoán Phố Wall tuần qua

12:16' - 12/12/2020
BNEWS Hai trong ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 11/12 đã thể hiện tâm lý kém lạc quan của nhà đầu tư về bất đồng trong đàm phán gói kích thích kinh tế mới của Mỹ.

Hai trong ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 11/12 đã thể hiện tâm lý kém lạc quan của nhà đầu tư về những bất đồng trong đàm phán gói kích thích kinh tế mới của Mỹ bên cạnh nguy cơ Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, chỉ việc Anh rời EU, khép lại vào ngày 31/12 tới.

Tuần qua, diễn biến đàm phán về một thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời EU cùng với những kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới của Mỹ và tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu là những yếu tố chính chi phối diễn biến thị trường chứng khoán.

Trong phiên đầu tuần (7/12), chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa phiên ở mức cao kỷ lục mới là 12.519,95 điểm, trong khi hai chỉ số chủ chốt còn lại là Dow Jones và S&P 500 đều hạ.

Nguyên nhân là do trong khi số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã đạt các mức cao kỷ lục mới thì giới đầu tư vẫn đặt cược dựa trên kỳ vọng rằng việc triển khai rộng rãi vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Xu hướng đi lên tiếp tục được củng cố khi các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 8/12 lập các kỷ lục mới, nhờ tiến triển về vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu và dự đoán về các đợt phát hành cổ phiếu của Airbnb và DoorDash.

Đà tăng này nhanh chóng "hụt hơi" với cả ba chỉ số chính đều chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch 9/12, do các nghị sỹ đảng Dân chủ tỏ ra không mấy hào hứng với đề xuất về gói kích thích mới trị giá hơn 900 tỷ USD của Nhà Trắng, bởi con số này chỉ bằng một nửa so với số tiền hỗ trợ mà người Mỹ đã nhận được hồi đầu năm nay và dự thảo này cũng bổ sung ít tiền cho trợ cấp thất nghiệp.

Chứng khoán Phố Wall khép phiên 10/12 với sắc xanh, đỏ đan xen. Đáng chú ý là màn "chào sàn" khá ấn tượng của nền tảng chia sẻ nhà Airbnb.

Giá cổ phiếu phát hành ra công chúng lần đầu (IPO) của công ty này đã tăng gấp đôi so với mức giá chào bán ước tính ban đầu lên mức 144,71 USD/cổ phiếu với tổng cộng 3,4 tỷ USD huy động trong lần IPO này.

Đến phiên cuối tuần (11/12), các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều, trong bối cảnh tâm lý bất an gia tăng về việc thị trường đã quá "lạc quan" và cổ phiếu bị định giá quá cao sau khi các chỉ số chứng khoán thiết lập nhiều mức cao mới hồi đầu tuần.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 30.046,37 điểm. Chỉ số S&P 500 SPX giảm 0,1% xuống 3.663,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng hạ 0,2% và đóng cửa phiên ở mức 12.377,87 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,6%, S&P 500 mất 1% còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,7% so với tuần trước.

Phố Wall tiếp tục đối mặt với một loạt các yếu tố phủ bóng đen lên xu hướng tăng giá cổ phiếu. Gói cứu trợ mà Nhà Trắng đề xuất dự đoán sẽ bị "treo", mà theo nhiều nhà phân tích, một thỏa thuận dường như không có khả năng xảy ra trong ngắn hạn.

Lòng tin của nhà đầu tư cũng suy yếu sau khi có báo cáo về số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 5/12 đã tăng vọt hơn 137.000 người, cao hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế.

Điều này làm dấy lên lo ngại về đợt suy thoái kinh tế mới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh.

Donald Calcagni, Giám đốc đầu tư của Mercer Advisors, nhận định rằng các vấn đề chính sách ở Washington là yếu tố chính thúc đẩy thị trường. Vẫn còn nỗi lo ngại rằng cuộc bầu cử vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, động lực thị trường dường như đã giảm và có nhiều rủi ro hơn.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ngày 11/12, các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm điểm, trong khi giá đồng bảng Anh cũng đi xuống sau khi các nhà đàm phán cảnh báo về khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, mà không đạt được thỏa thuận.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) giảm 0,8%. Các chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) và CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng lần lượt hạ 1,4 và 0,8%.

Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/12 theo giờ Việt Nam, giá đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,3229 USD đổi 1 bảng, giảm từ mức 1,3295 USD đổi 1 bảng trước đó.

Stephen Innes, chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại AXI, nhận xét hiện có những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro trong bối cảnh lo ngại về Brexit.

Nhà phân tích Jane Foley của Rabobank nói thêm, trong vài tuần qua, sự đồng thuận trên thị trường đã đi từ việc tin tưởng rằng EU và Anh sẽ đạt được một thỏa thuận sang lo ngại rằng kịch bản không có thỏa thuận nào có thể là kết quả cuối cùng.

Sự bi quan về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU cũng gây áp lực hạ giá lên đồng bảng Anh. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại, hàng hóa thông quan giữa hai bên sẽ bị áp thuế và hạn ngạch theo khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ ngày 1/1/2021, điều sẽ khiến giá cả hàng hóa của Anh tăng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục