Tâm lý lạc quan tiếp sức cho đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ

10:14' - 19/12/2020
BNEWS Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 tiến thêm 1,3% and chỉ số Nasdaq Composite tăng thêm 3,1%. 

Mặc dù giảm điểm trong phiên 18/12, tính chung cả tuần qua, ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên nhờ tâm lý lạc quan về tiến triển trong đàm phán gói kích thích kinh tế của Mỹ.

Trước sức ép ngày càng gia tăng trong việc thông qua gói kích thích nền kinh tế vốn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã đưa ra đề xuất về gói cứu trợ ước tính khoảng 900 tỷ USD, cho thấy rõ ràng hai đảng đang có sự thỏa hiệp với nhau.

Quy mô gói hỗ trợ cao hơn gói 500 tỷ USD mà đảng Cộng hòa ủng hộ và thấp hơn rất nhiều so với quy mô gói 2.200 tỷ USD mà đảng Dân chủ đã thông qua tại Hạ viện Mỹ trong năm nay.

Cụ thể, trong phiên đầu tuần (14/12), hai trong ba chỉ số của Phố Wall đi xuống do lo ngại số ca mắc COVID-19 mới tăng cao sẽ khiến nền kinh tế Mỹ kéo dài lệnh phong tỏa xã hội.

Tuy nhiên, ở những phiên giao dịch tiếp, thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết đều tăng điểm nhờ tâm lý lạc quan về cuộc đàm phán gói kích thích kinh tế của Mỹ trong khi nhiều nước trên thế giới bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân, mở ra hy vọng rằng các nền kinh tế trên thế giới sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.

Đáng chú ý, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite phiên 15/12 đã leo lên mức cao kỷ lục mới sau thông tin cho hay các nghị sỹ Mỹ sẽ nhóm họp lần đầu tiên sau nhiều tháng, để nỗ lực tiến gần đến việc thông qua một gói hỗ trợ chi tiêu tài chính sau nhiều lần đàm phán thất bại trước đó.

Đà tăng cũng được tiếp sức sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng nhẹ dự báo đối với tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới năm 2021 và 2022 với lãi suất được duy trì ở mức cực thấp. Fed cho biết sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng "cho đến khi đạt được tiến triển đáng kể hơn nữa đối với mục tiêu ổn định giá và tối ưu việc làm".

Đến phiên 17/12, cả ba chỉ số chủ chốt đều đóng cửa với các mức cao nhất từ trước đến nay và đáng chú ý đây còn là phiên thứ ba liên tiếp chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com cho biết thị trường đang thực sự cho thấy khả năng phục hồi tuyệt vời trước áp lực bán ra mạnh.

Thị trường khởi sắc hơn sau khi có thông tin cho thấy các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới dường như đang có tiến triển tích cực và các chuyên gia Mỹ đã gặp nhau để thảo luận về vắc-xin ngừa COVID-19 từ hãng dược phẩm Moderna.

Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần (18/12), thị trường tiếp tục đi lên và có thời điểm cả ba chỉ số chính đều vượt mức cao thiết lập trước đó trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang chạy đua với thời gian để vừa thông qua gói cứu trợ COVID-19 vừa thông qua dự luật ngân sách liên bang trước khi Quốc hội Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới từ ngày 19/12.

Tuy nhiên, xu hướng bán tháo chốt lời đã đẩy thị trường vào vùng đỏ lúc cuối phiên, với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống mức 30.179,05 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,4% xuống mức 3.709,41 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,1% và đóng cửa phiên ở mức 12.755,64 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 tiến thêm 1,3% and chỉ số Nasdaq Composite tăng thêm 3,1%.

Theo Sahak Manuelian, người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu tại Wedbush Securities, thị trường đã "nghỉ xả hơi" trong phiên này sau khi “tăng khá tốt trong tuần”.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh và sự xáo động trong phiên này cũng có thể do đây là ngày Quadruple Witching với bốn loại hợp đồng tương lai và quyền chọn cùng đáo hạn. Tuy nhiên, tâm lý tích cực vẫn chi phối, với thị trường kỳ vọng một gói viện trợ kinh tế mới sớm được thông qua.

Randy Frederick, giám đốc điều hành mảng Giao dịch & Phái sinh tại Trung tâm nghiên cứu tài chính Schwab, cũng chỉ ra xu hướng chốt lời là yếu tố khiến thị trường đi xuống trong phiên này. Thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên, trừ khi có tin tức rằng các cuộc đàm phán đã hoàn toàn thất bại.

Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell, ngày 18/12 đã thể hiện sự lạc quan về tiến trình đàm phán gói cứu trợ.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Hạ viện Steny Hoyer cũng thông báo có tiến triển trong đàm phán hướng tới thỏa thuận cuối cùng về gói kích thích kinh tế mới nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.

Thông tin tích cực về việc Quốc hội Mỹ có thể thông qua gói kích thích kinh tế mới được đưa ra đúng thời điểm chính phủ công bố số liệu mới cho thấy ngày càng nhiều người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong bối cảnh tiến trình phục hồi kinh tế chững lại.

Theo giới phân tích, một gói trợ giúp của chính phủ lúc này là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp và người thất nghiệp, nhằm đưa nền kinh tế hàng đầu thế giới trở về quỹ đạo, ngay cả khi các loại vaccine phòng COVID-19 mới đang mang lại hy vọng rằng cuộc sống có thể trở lại bình thường.

Sau khi ghi nhận sự phục hồi mạnh vào mùa Hè, kinh tế Mỹ lại xuất hiện những dấu hiệu chững lại. Dữ liệu ngày 17/12 cho thấy, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 885.000 người, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2020, và cao hơn dự báo 808.000 người từ các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, báo cáo đầu tuần này từ Bộ Thương mại Mỹ lại cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ sụt giảm trong tháng 11/2020.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang cố gắng hoàn tất dự luật ngân sách liên bang trị giá 1.400 tỷ USD để duy trì các hoạt động của chính phủ đến tháng 9/2021. Dự luật này sẽ cấp ngân sách cho các chương trình chăm sóc sức khỏe, an ninh nội địa và hoạt động viện trợ quân sự tại nước ngoài. Hiện tại những chương trình này đang hoạt động bằng nguồn ngân sách tạm thời.

Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Moderna và dự kiến sẽ phân phối ngay loại vaccine này. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được Mỹ phê chuẩn sau vaccine do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức hợp tác phát triển. Hôm 15/12, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết phác đồ vaccine hai liều của Moderna đã được xác nhận  hiệu quả tới 94% trong một thử nghiệm lâm sàng và đặc biệt hiệu quả đối với bệnh nặng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục