Tâm lý lo ngại về triển vọng kinh tế chi phối thị trường dầu mỏ thế giới

08:19' - 07/06/2023
BNEWS Phiên 6/6, giá dầu thế giới giảm khoảng 1%, khi những lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đã lấn át cam kết cắt giảm sản lượng dầu hơn nữa của Saudi Arabia.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 42 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 76,29 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 41 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 71,74 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng trong phiên đầu tuần sau khi Saudi Arabia hồi cuối tuần qua cho biết sẽ giảm sản lượng từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng Năm xuống khoảng 9 triệu thùng/ngày vào tháng Bảy tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của ngân hàng Citi cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng nói trên của Saudi Arabia không thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa do nhu cầu suy yếu, nguồn cung từ các nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại và khả năng suy thoái ở Mỹ và châu Âu.

 
Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng từ 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 12,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 12,8 triệu thùng/ngày trong năm 2024, cao hơn mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày ghi nhận trong năm 2019.

Phiên này, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất so với rổ các đồng tiền chủ chốt kể từ phiên 31/5, khi giới đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu mới về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng hay giữ nguyên lãi suất trong tháng này. Đồng USD tăng giá sẽ khiến dầu vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đổi với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 khi Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đang tỏ ra vững ổn hơn dự đoán. Nhưng WB cho rằng lãi suất cao hơn sẽ tạo ra lực cản lớn hơn dự đoán vào năm tới. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí đi vay, từ đó có thể kìm hãm nền kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục