Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và ba thách thức đối với ngành nông nghiệp

20:02' - 28/07/2016
BNEWS Ngày 28/7, tân Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng nông nghiệp Việt Nam đang gặp ba thách thức rất lớn.

Ngày 28/7, sau khi được Quốc hội khóa XIV chính thức bỏ phiếu tín nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước mắt, từ nay đến cuối năm 2016, ngành nông nghiệp quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm do hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả…

Đồng thời, chú trọng bảo vệ phát triển rừng vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và rừng ngập mặn ven biển; hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Về lâu dài, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp; tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, khuyến khích sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, coi doanh nghiệp là “đầu tàu” trong liên kết; trong đó, quan tâm đến lợi ích của nông dân. Bên cạnh đó, củng cố, phát triển HTX mới theo Luật HTX 2012 đã ban hành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nhất là giống và công nghệ sinh học vào sản xuất. Ngoài ra, quan tâm đặc biệt đến thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang gặp 3 thách thức rất lớn. Thứ nhất, nền nông nghiệp vẫn dựa trên quy mô hộ, do đó hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung sẽ rất khó khăn.

Thứ hai là biến đổi khí hậu, thiên tai đang tác động ngày càng cực đoan, nhanh hơn cả kịch bản dự báo. Điều này đã đem lại tác hại lớn cho nền kinh tế, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp. Thứ 3 là Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, những cơ hội mở ra thị trường cũng đồng nghĩa với những thách thức.

Theo Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và ngư nghiệp nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai trung du, miền núi, ven biển.

Trình độ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác, quản trị tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá, nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất hàng hóa nông sản còn thấp. Tăng trưởng có chiều hướng giảm dần trong các năm gần đây. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay ngành tăng trưởng âm 0,18%.

Thu nhập của người dân nông thôn ở mức 24,6 triệu đồng/người, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước là 45,7 triệu đồng/người. Tỷ lệ nghèo ở vùng nông thôn là 9,3% cao hơn mức bình quân chung cả nước là 4,5%.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu và lạc hậu, nhất là hạ tầng sản xuất thuỷ sản, lâm nghiệp, dịch vụ vận chuyển kho bãi và mạng lưới phân phối. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí ngày càng tăng, nhất là các vùng ven đô thị và khu công nghiệp.

Nông nghiệp chủ yếu dựa trên sản xuất nông hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, nên rất khó khăn trong sản xuất hàng hóa, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiếp cận thị trường...

Điều này dẫn đến chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm thấp, năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập.

"Bên cạnh đó, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn ở châu Âu, Trung Á và những khu vực khác làm ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu nông sản và đầu tư vào ngành. Nếu không chuẩn bị tốt các phương diện từ nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật và quản lý, tổ chức sản xuất thì sẽ bị xâm lấn ngay ở thị trường nội địa. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ thông suốt, hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của hội nhập"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong hai năm vừa qua, ngành đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành, đặc biệt năm 2016 là Năm cao điểm hành động vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đến nay, đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng như ngăn chặn tương đối hiệu quả việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện còn ở mức cao, chưa đáp ứng yêu cầu người dân, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự rõ nét, bền vững.

Trước mắt, ngành sẽ tập trung nguồn lực thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ giao cho ngành nông nghiệp theo Luật An toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành tuyên truyền, vận động và giám sát an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Các giải pháp trung, dài hạn cũng được ngành nông nghiệp xác định là rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các quy định, thủ tục, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn; đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, liên kết với hộ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn gắn với chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu./.

>>>> Tiến độ cải cách hành chính của ngành nông nghiệp còn chậm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục