Tận dụng cơ hội phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng

19:31' - 21/09/2021
BNEWS Tỉnh Gia Lai vừa ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, phương châm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân trước dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu.

Chương trình cũng đề ra yêu cầu phải bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.

Theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, địa phương sẽ chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Một số chỉ tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Gia Lai chú trọng như: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm (GRDP) đạt 8,6% trở lên; tỷ trọng nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, đến năm 2025 tương ứng là: 29,89%, 31,22%. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt 35%. Diện tích rừng trồng mới hằng năm đạt trên 8.000 ha; độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 47,75%.

Cũng theo ông Võ Ngọc Thành, để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường thực hiện 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc bãi bỏ, đề xuất bãi bỏ các quy định thuộc thẩm quyền không còn phù hợp, còn chồng chéo hoặc còn vướng mắc khi thực hiện. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ.

Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, Gia Lai cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực để kết nối giao thương với các tỉnh lân cận.

Với lợi thế điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và xác định nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế, giai đoạn 2021-2025, Gia Lai sẽ phải nhìn nhận lại những hạn chế về việc phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Qua đó, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông, lâm nghiệp; chuyển đổi dần các diện tích lúa, cao su, hồ tiêu, mía kém hiệu quả ở những nơi chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu sang cây ăn quả, rau, trồng cỏ chăn nuôi; trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, gỗ quý đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.

Theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, thời gian tới, tỉnh sẽ tận dụng tiềm năng, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp-xây dựng; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo; đầu tư đồng bộ, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với chế biến...

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nên một số chỉ tiêu còn chưa đạt theo kế hoạch.

Trong giai đoạn này, tỉnh Gia Lai có 15/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm 7,55%, vượt kế hoạch 0,05%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 đạt 87 xã, vượt 17 xã so với kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 46,7% và tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đến năm 2020 đạt xấp xỉ 100%...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục