Tăng cường kết nối thông tin giữa doanh nghiệp và các Thương vụ

18:08' - 26/02/2018
BNEWS Ngày 26/2, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị đối thoại giữa các Tham tán thương mại với các địa phương và doanh nghiệp phía Nam.

Tiếp nối thành công của Hội nghị Tham tán thương mại 2018 ở khu vực phía Bắc, ngày 26/2, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị đối thoại giữa các Tham tán thương mại với các địa phương và doanh nghiệp phía Nam.

Tại đây, nhiều doanh nghiệp, địa phương đề xuất các tham tán thương mại ở các nước tập trung thông tin về những rào cản ở các nước nhập khẩu, những thay đổi về mặt chính sách có thể tác động đến tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, khuynh hướng thị trường trong năm.

Theo ông Bùi Hữu Thêm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, với số lượng tham tán thương mại ở các nước rất mỏng như hiện nay, các doanh nghiệp không thể kỳ vọng trong tiếp thị, bán hàng, chào giá... Đây sẽ là những vấn đề mà các doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu phải tự lo liệu, bởi thực tế các tham tán thương mại không có đủ thời gian để làm.

Tuy nhiên, đại diện HAWA đề xuất, các tham tán thương mại cần thông tin kịp thời những thay đổi về mặt chính sách ở nước sở tại, nhất là những rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam hay bị vướng phải để giúp họ tránh thiệt hại tối đa. Đồng thời, cung cấp những thông tin chuyên sâu về mặt khuynh hướng thị trường, vấn đề mới nổi lên.

Dẫn chứng lại trường hợp tranh chấp thương mại giữa một công ty chế biến xuất khẩu gỗ với một doanh nghiệp nước ngoài, ông Bùi Hữu Thêm chia sẻ, năm 2016, Công ty TNHH Gia Hân có tranh chấp hợp đồng thương mại với Công ty Global Home có trụ sở tại Séc, do ông Otto De Jager làm đại diện. Mặc dù giao hàng đã lâu, nhưng phía Công ty Global Home vẫn không thanh toán và số tiền nợ lên đến trên 400.000 USD.

“Khi đó, chúng tôi đã liên hệ với tham tán thương mại tại Séc nhờ xác định xem liệu Công ty Global Home có phải lừa đảo hay không, nhưng rất tiếc phía tham tán thương mại không phản hồi lại. Ngay cả liên lạc với Bộ Công Thương cũng không có thông tin này. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các tham tán thương mại khi các doanh nghiệp có tranh chấp thương mại cần giúp đỡ thì sớm phản hồi lại để giúp giải quyết tranh chấp kịp thời hơn”, ông Thêm chia sẻ.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, mặc dù có thế mạnh về chế biến xuất khẩu tôm nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở Cà Mau vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu thông tin chính xác về thị trường và doanh nghiệp xuất khẩu.

Điều này dẫn đến tình trạng một số hợp đồng không được thực hiện nghiêm túc, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp ở khâu nhận hàng hoá và thanh toán. Do vậy, địa phương và doanh nghiệp rất mong các tham tán thương mại hỗ trợ thông tin nhanh, kịp thời, có những thông tin chính xác hơn về xu hướng thị trường để doanh nghiệp có thể nắm bắt và có kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Ngay cả như thị trường Trung Quốc, dù có nhiều lợi thế về vị trí địa lý cũng như thị trường xuất khẩu truyền thống, thế nhưng các địa phương và doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi giao dịch ở thị trường này.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng lúa gạo nói riêng. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang thay đổi nhiều chính sách về xuất nhập khẩu, siết chặt các vấn đề về quản lý chất lượng, bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế mậu dịch biên giới… Việc này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thương mại giữa hai bên, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, do thiếu thông tin, doanh nghiệp không thể tận dụng các cơ hội phát triển kinh doanh hoặc phải vướng vào các vấn đề kiện tụng, tranh chấp hoặc bị trả hàng về, gây tổn thất lớn cho cả doanh nghiệp và quốc gia.

Sau khi nghe các ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp khu vực phía Nam, một số tham tán thương mại cho rằng, để tiếp cận thị trường xuất khẩu bền vững, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm được yêu cầu về chất lượng của các thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, không nên vội vàng, kinh doanh theo kiểu “chụp giật” mà nên tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Các tham tán thương mại cũng cho rằng, ngoài việc hỗ trợ của tham tán, thương vụ, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường để việc xuất khẩu có hiệu quả hơn. Bởi trên thực tế nhân lực của các thương vụ cũng rất hạn chế, khó có thể đáp ứng cùng lúc các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương.

Trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp về thiếu thông tin về các Hiệp định thương mại (FTA), thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, các quy định của các FTA đều được Bộ dịch ra Tiếng Việt, công bố trên website của Bộ, phát hành thành sách gửi cho các doanh nghiệp. Thậm chí, cơ quan chuyên ngành còn đưa ra các câu hỏi thắc mắc của từng vấn đề, trả lời cụ thể để doanh nghiệp dễ nắm bắt.

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi lại nói quy định dài quá không đọc nổi. Trong khi đó, ở các nước, các doanh nghiệp thường tập hợp lại thuê các đơn vị tư vấn về quy định mới của các FTA, thay vì trông chờ tư vấn miễn phí từ Chính phủ.

“Khi xảy ra các vụ khiếu kiện, các doanh nghiệp tập hợp thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bộ sẽ chỉ đạo tham tán thương mại tăng cường cập nhật thông tin đưa ra những thông báo, cảnh báo sớm nhất cho doanh nghiệp nhưng chính doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc tìm hiểu thông tin cần thiết”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục