Tăng đàn chăn nuôi phục vụ Tết

08:18' - 05/10/2022
BNEWS Từ cuối tháng 9 đến nay, hầu hết trang trại chăn nuôi tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu tái đàn, một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn (trên dưới 5.000 con) tăng đàn từ 10% - 20%.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Thời điểm này, người dân tại Đồng Nai – địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước đang tập trung các nguồn lực, đầu tư con giống chăn nuôi để phục vụ thị trường Tết.

Dù đối mặt nhiều khó khăn, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, song người dân vẫn kỳ vọng thu lợi nhuận tốt khi xuất bán gia súc, gia cầm trong dịp Tết.

 

Những ngày qua, bà Nguyễn Tuyết Lan, ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đầu tư khoảng 250 triệu đồng mua hơn 200 con lợn giống. Theo bà Lan, do chi phí chăn nuôi tăng nên Tết Nguyên đán tới đây, giá lợn hơi phải hơn 60.000 đồng/kg thì bà mới có lãi.

Bà Nguyễn Tuyết Lan chia sẻ: “Năm nay giá thức ăn, thuốc phòng bệnh cho vật nuôi tăng cao song thịt lợn có giá tốt, chăn nuôi không bị thua lỗ. Những đợt trước, mỗi lần gia đình chỉ tái đàn gần 100 con lợn, lứa lợn này xác định nuôi để bán Tết nên tôi tăng đàn.

Vào dịp Tết, nhu cầu thịt lợn tăng, nên không quá lo về giá, điều tôi lo nhất là dịch tả lợn châu Phi tái phát. Để kiểm soát dịch bệnh, tôi đang thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế người lạ ra vào chuồng trại”.

Mới đây, anh Đồng Xuân Lộc, ấp 10, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai chi hơn 70 triệu đồng mua 4.000 con gà. Anh Lộc tính toán, số gà này sẽ xuất bán vào tháng 1/2023.

Anh Đồng Xuân Lộc cho biết: “Năm nay, việc nuôi gà thuận lợi hơn so với 2 năm trước, giá có lúc lên, lúc xuống nhưng cơ bản ổn định, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Do xác định bán Tết nên lứa này tôi quyết định tăng đàn, chỉ mong tới đây giá gà không xuống quá thấp, người chăn nuôi không bị thua lỗ”.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, từ cuối tháng 9 đến nay, hầu hết trang trại chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu tái đàn, một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn (trên dưới 5.000 con) tăng đàn từ 10% - 20%.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện tình hình chăn nuôi ở Đồng Nai đang ổn định, các loại dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhằm chuẩn bị cho thị trường Tết, nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn Đồng Nai bắt đầu tăng đàn, song việc tăng đàn không diễn ra ồ ạt. Với diễn biến như hiện nay, Tết Nguyên đán 2023 thị trường sẽ không thiếu nguồn cung thịt lợn, thịt gà.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, năm 2022 giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, nhưng việc chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn diễn ra thuận lợi hơn so với 2 năm trước. Nguyên nhân là gia súc, gia cầm không bị rớt giá quá mạnh, dịch bệnh không bùng phát trên phạm vi rộng.

"Hiện người chăn nuôi tại Đồng Nai đang tái đàn, tăng đàn, tuy nhiên, đây là thời điểm giao mùa, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Để phòng, chống dịch bệnh, người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho vật nuôi, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn những thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi", ông Nguyễn Trí Công nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai hiện là tỉnh có nền chăn nuôi phát triển nhất cả nước với đàn lợn hơn 2,6 triệu con, gà gần 26 triệu con, chim cút khoảng 8 triệu con và hàng triệu con dê, thủy cầm.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như khử trùng tại những khu vực chăn nuôi tập trung, tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân. Nhờ đó tỉnh đã khống chế được các loại dịch bệnh, đặc biệt là không để dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại các trang trại lớn, giúp ngành chăn nuôi phục hồi, phát triển.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, thịt lợn, gà của Đồng Nai không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn là nguồn cung của cả nước, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh. Thời điểm này, các trang trại chăn nuôi tái đàn, tăng đàn sẽ đảm bảo nguồn cung thịt dồi dào phục vụ Tết Nguyên đán 2023.

Tuy nhiên, do việc tiêu thụ thịt lợn, gà vẫn thiếu bền vững, dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt nên người dân cần thận trọng, không ồ ạt tăng đàn. Việc tăng đàn chỉ nên thực hiện đối với những trang trại đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học./.

>>>Bến Tre khuyến khích nông dân tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi dê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục