Tăng "đề kháng" cho các đô thị trước những thách thức mới

14:59' - 08/11/2021
BNEWS Để tăng "sức đề kháng" cho hệ thống đô thị, các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh là chủ đề của hội thảo trực tuyến do Bộ Xây dựng, Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các Đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức vào "Ngày Đô thị Việt Nam 8/11".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, ngày 8/11 hàng năm là “Ngày đô thị thế giới”, nhiều hoạt động được tổ chức để nhấn mạnh vai trò các thành phố trong phát triển kinh tế xã hội trên toàn cầu. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 8/11 hàng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam” nhằm tôn vinh các đô thị và nhấn mạnh vai trò trung tâm tạo động lực tăng trưởng kinh tế của các đô thị. Hội thảo là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, trong gần 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đều trên cả nước.

Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước.

Khu vực đô thị không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP mà còn góp phần  tích cực vào chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn; đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, phát triển đô thị tại Việt Nam còn một hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn...

Hơn nữa, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay - Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây sẽ là chỉ đạo ở cấp cao nhất về phát triển đô thị. Từ nghị quyết nói trên, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho công tác này…, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng đề cập đến các thách thức mới trong phát triển đô thị tại Việt Nam. Theo ông Chính, trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, việc trưng dụng các dự án nhà tái định cư, các trường học, sân vận động, khu liên hợp thể thao… làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 và cùng với việc phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu... cho thấy cần phải giải bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai.

"Phải có không gian dự trữ, được sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra các rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn. Đây là điều các nhà quy hoạch cần phải quan tâm trong quá trình lập quy hoạch và phát triển đô thị" - chuyên gia này nêu ý kiến.

Theo ông Trần Ngọc Chính, để phát triển bền vững, giảm thiểu thảm họa thiên tai, dịch bệnh, quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Đối mặt với những hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, đô thị phải có khả năng thích ứng. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng, bằng cách định hướng phát triển hài hoà, phù hợp với điều kiện tự nhiên trong mọi lĩnh vực.

Và để tăng "sức đề kháng" cho hệ thống đô thị, các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế các khu dân cư đô thị cần phải tính yêu cầu về hệ số sử dụng đất, bao gồm tỷ lệ diện tích sàn (FAR), mật độ xây dựng và tỷ lệ không gian xanh…, để đảm bảo có đủ không gian xanh, không gian giải trí cho người dân và không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho con người và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô…

Đại diện các tổ chức quốc tế, Tiến sỹ Tim McGrath đến từ Dự án Thích ứng với Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, do GIZ-SECO tài trợ) chia sẻ, dự án đang hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất áp dụng mô hình thành phố bọt biển; xây dựng giá dịch vụ thoát nước và lộ trình thực hiện, hướng đến thu hồi chi phí; áp dụng mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững và nghiên cứu khả thi công trình hạ tầng chống ngập úng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục