Tăng hiệu quả sử dụng đất vào bảo vệ rừng

15:39' - 14/08/2017
BNEWS Giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp đã tạo được tiền đề để đảm bảo rừng có chủ thực sự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, đối chiếu giữa bản đồ và thực tế việc sử dụng đất rừng. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng xã hội hóa nghề rừng, chính sách đã phát huy được tính hiệu quả trong sử dụng đất vào bảo vệ rừng, góp phần quan trọng phục hồi rừng, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhiều hộ gia đình đã phát huy tính chủ động sau khi nhận đất, tiến hành thực hiện các hoạt động đầu tư trồng rừng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho hộ, trực tiếp làm tăng độ che phủ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng không ngừng tăng lên từ 27,8% của năm 1990 (thấp nhất) lên 39,5% vào năm 2010 và đạt trên 41,19% năm 2016.

Cụ thể, giai đoạn 2006-2016, diện tích rừng tăng lên hơn 1,5 triệu ha, trung bình tăng 150.000 ha/năm; trong đó, rừng trồng tăng trên 1 triệu ha. Giao rừng, cho thuê đất rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã tạo được tâm lý an tâm đầu tư vào rừng. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, hô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả.

Kết quả giao rừng, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp đã tạo được tiền đề để đảm bảo rừng có chủ thực sự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, đồng thời là nền tảng cơ bản để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Giao rừng, cho thuê đất rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã tạo được tâm lý an tâm đầu tư vào rừng. Ảnh minh họa: TTXVN.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện giao đất, giao rừng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là, quá trình triển khai chưa tốt nên đã phát sinh một số hình thức mâu thuẫn về tranh chấp đất đai tại môt số địa phương; quy mô diện tích được giao nhỏ; tiến độ giao đất, thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp quyền sử dụng đất còn chậm….

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng của các chủ rừng sau khi được giao, cho thuê rừng. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn kinh phí của địa phương và Trung ương để thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp hiệu quả.

Các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp nếu không kết hợp được với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn tiến hành giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng.

Cùng với đó, tiến hành rà soát, đánh giá việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân); kiên quyết thu hồi những diện tích quản lý sử dụng không hiệu quả để tiếp tục giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng khác quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Đồng thời, xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.

Tính đến hết năm 2016, có khoảng 78% (11.258.730 ha) diện tích rừng của cả nước đã được giao; còn lại 22% (3.118.952 ha) hiện chưa được giao mà đang được quản lý với cấp UBND xã. Phần diện tích 11.258.730 ha được giao cho 8 nhóm đối tượng sử dụng, bao gồm: ban quản lý rừng đặc dụng; ban quản lý rừng phòng hộ; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp ngoài quốc doanh; doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng; đơn vị vũ trang và các tổ chức khác.

Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã cho thuê là 160.917 ha. Đến nay, 37 tỉnh có 11.525 cộng đồng dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng (chiếm 90% tổng số cộng đồng) và có 279.305 hộ gia đình dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng với 703.951 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục