Tăng hiệu quả thông qua phát triển mã số vùng trồng cây ăn quả

15:07' - 07/09/2023
BNEWS Cả nước có 7.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói, tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát mới chỉ thực hiện được 40,8% đối với mã số vùng trồng và 17% đối với cơ sở đóng gói.

Văn phòng thường trực Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa tổ chức lớp tập huấn khuyến nông về mã số vùng trồng một số cây ăn quả chủ lực tại tỉnh Đắk Lắk. 30 học viên là cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên và nông dân tiêu biểu của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đã tham gia lớp tập huấn.

Tham gia lớp tập huấn học viên nhận thức được tầm quan trọng của mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp, thấy được cách thức thiết lập, quản lý, giám sát, duy trì mã số vùng trồng và đặc biệt thấy được vai trò của công tác khuyến nông đối với việc tuyên truyền, phát triển và duy trì mã số vùng trồng tại địa phương.

Đặc biệt, tại mô hình, các học viên được trao đổi nhưng kinh nghiệm thực tế trong canh tác sầu riêng giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và những việc cần thực hiện khi tham gia vùng trồng sầu riêng được cấp mã số.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2023 cả nước có 7.000 mã số vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát mới chỉ thực hiện được 40,8% đối với mã số vùng trồng và 17% đối với cơ sở đóng gói.

Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu, bảo đảm chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và trách nhiệm được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.

Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu từ đó góp phần đảm bảo đầu ra vững chắc cho sản phẩm, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Song song với công tác thiết lập, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì công tác kiểm tra, giám sát duy trì mã số đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là nâng cao hơn nữa sự chủ động của các địa phương trong việc tiếp cận các quy định và tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện tại địa phương. 

Qua chia sẻ tại lớp học cho thấy, cơ quan quản lý cần phải có chế tài phù hợp để duy trì, phát huy được mã số vùng trồng, tránh tình trạng mập mờ giữa tổ chức, cá nhân có mã số và không có mã số, mang lại sự công bằng cho HTX và hộ dân tham gia sản xuất đáp ứng theo yêu cầu mã số vùng trồng đã cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục