Tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế

08:28' - 29/09/2022
BNEWS Giới đầu tư và các nhà quan sát lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái sau một loạt quyết định tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước.

Theo dữ liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970.

 

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 21/9 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - lần tăng lãi suất mạnh thứ ba liên tiếp trong năm nay, nâng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên khoảng 3 - 3,25%.

Theo tờ Financial Times, Fed sẽ nâng lãi suất chuẩn lên trên 4% và giữ ở mức này cho đến sau năm 2023 để ngăn chặn lạm phát cao và việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ còn kéo dài.

Các quan chức Fed cho rằng việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp.

Fed đang trong “thế khó” khi vừa phải kiểm soát lạm phát vừa duy trì đà tăng trưởng. Kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của Fed cho thấy tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại.

Cùng với Fed, các ngân hàng trung ương của nhiều nước, trong đó có Indonesia, Na Uy, Phillipines, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ , Anh… cũng đồng loạt thông báo về việc tăng lãi suất.

Điều lo ngại là ở chỗ, giới phân tích cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế theo đà tăng lãi suất trên toàn cầu đang gia tăng. Thực tế cho thấy, Fed sẵn sàng chấp nhận việc kinh tế Mỹ suy thoái nếu đó là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát trong khi các ngân hàng trung ương khác cũng đã sẵn sàng cho một kịch bản tương tự.

Với việc đua nhau tăng lãi suất, Fed và các ngân hàng trung ương khác đã cho thấy quyết tâm trong việc kiểm soát tình trạng giá cả tăng vọt, ngay cả khi phải trả giá bằng việc nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa và thậm chí là suy giảm.

Tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang tăng lãi suất - theo nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Maurice Obstfeld - sẽ gây nguy hiểm, khi chính sách tiền tệ của các ngân hàng sẽ tác động lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền và “xuất khẩu lạm phát” ra nước ngoài.

WB cảnh báo trào lưu ngân hàng trung ương các nước đồng loạt tăng lãi suất sẽ tạo thêm nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Tăng lãi suất trên diện rộng mà thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có cho nền kinh tế thế giới.

Việc ngân hàng trung ương của các nước cố gắng đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu hơn mức cho phép.

Vậy giải pháp là gì?

Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập niên qua do nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Trong năm 2022, tình hình trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19.

Tình hình trên buộc các ngân hàng trung ương chủ chốt phải có phản ứng mạnh mẽ, tăng chi phí cho vay để làm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang.

Tuy nhiên, biện pháp này có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương cần phải tăng thêm tăng lãi suất và đây chính là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Theo WB, các nước nên tham khảo cách các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985 - 1987, từ đó có thể phối hợp thúc đẩy một biện pháp tăng lãi suất chung nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

Về phần mình, Fed - cơ quan đóng vai trò động lực thúc đẩy việc tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu - cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất nhằm tăng nguồn cung để nới lỏng những hạn chế khiến giá cả leo thang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục