Tăng lương tối thiểu vùng: Tính nhân văn là thước đo!

12:02' - 29/04/2022
BNEWS Việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 được Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất vấp phải sự phản ứng của 8 hiệp hội ngành nghề có số lượng nhân công đông nhất nước.
 

Lương tối thiểu được xác lập theo vùng là mức tiền lương thấp nhất do Nhà nước quy định nhằm bảo bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu dựa trên mức độ phát triển kinh tế ở từng khu vực.

Gửi kiến nghị tới Thủ tướng, 8 hiệp hội gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đều ủng hộ việc tăng lương tối thiểu, vấn đề chỉ là việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Các hiệp hội cũng cho rằng các khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất. Nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần.

Tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.

Trước đó, tại phiên họp hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất Chính phủ, từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay.  Cơ sở cho việc tăng lương là nền kinh tế, sản xuất và kinh doanh bắt đầu phục hồi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân bình quân năm 2020 của người lao động giảm 128 nghìn đồng so với năm 2019. Thêm vào đó, trong bối cảnh giá cả tăng, nỗi lo lạm phát thì mức thu nhập giảm sút sẽ khiến người lao động thêm khó khăn.

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7 và kéo dài 18 tháng khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát nhằm tạo sự ổn định cho người lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Xung quanh việc tăng lương tối thiểu rõ ràng có những ý kiến khác nhau, và đều đứng từ góc độ và góc nhìn của mỗi bên, bao gồm nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người lao động, và nhìn theo lẽ thông thường, bên cảm thấy "được" là người lao động khi được lương và bên cảm thấy "mất" là phía doanh nghiệp khi phải trích thêm ngân quỹ cho việc tăng lương này.

Nhưng dù là bên nào thì câu chuyện tăng lương không phải là câu chuyện "đấu tranh" cho quyền lợi một phía, mà phải nhìn từ hai phía và cao hơn tất cả đó là tính nhân văn và tính ưu việt của một xã hội công bằng và văn minh.

Thực tế cho thấy, khó khăn do đại dịch không chừa một ai. Trong khi doanh nghiệp lao đao vì đơn hàng, thị trường và nhân công thì người lao động cũng liêu xiêu vì công việc và cuộc sống khó khăn bấp bênh.

Trong dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp để giữ chân người lao động, và cũng rất nhiều người lao động cũng không rời bỏ doanh nghiệp. Đó là tinh thần doanh nghiệp vì người lao động và người lao động vì doanh nghiệp.

Đó chính là mối quan hệ tạo nên sự bền chặt cho phát triển của từng doanh nghiệp nói riêng, cũng như của cả nền kinh tế nói chung. Mối quan hệ không chỉ đo bằng tiền bạc, mà đo bằng cả trách nhiệm xã hội và tính nhân văn trong phát triển kinh tế xã hội. Bảo vệ nguồn nhân lực cũng là bảo vệ tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia./.

Xem thêm:

>>8 hiệp hội kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục