Tăng nguồn lực tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

21:07' - 24/05/2023
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Agribank về đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 24/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) về đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

 
Theo nội dung thỏa thuận hợp tác, Agribank sẽ tham gia phối hợp, xây dựng các dự án, đề án liên quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chủ trì để cấp tín dụng theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cung cấp thông tin về các chương trình, dự án, đề án giúp Agribank đánh giá, thẩm định và cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Agribank và Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) ký kết chương trình phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về kế hoạch triển khai Đề án thí điểm Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể, Agribank sẽ giữ vai trò tư vấn, hỗ trợ các đối tượng tham gia thuộc Đề án thông tin về chính sách tín dụng, quy trình vay vốn và lập dự án, phương án vay khi có nhu cầu. Đồng thời, ABIC sẽ tư vấn và bảo vệ rủi ro cho pháp nhân, cá nhân tham gia bằng các sản phẩm của công ty với chính sách ưu đãi về tỷ lệ phí và phạm vi bảo hiểm.

Về phía Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đơn vị chịu trách nhiệm giới thiệu các đối tượng tham gia thuộc Đề án thí điểm Xây dựng vùng nguyên liệu về việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ do Agribank và ABIC cung cấp.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Agribank nhằm phát huy tốt vai trò của của mỗi bên để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thêm cơ hội phát triển sản xuất; sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Agribank quan tâm hơn đến việc phát triển sản phẩm OCOP, làm sao để mỗi sản phẩm đều mang nét đặc trưng của địa phương. Song song với đó, ông gợi mở Agribank xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho người dân, hợp tác xã trong việc vay vốn đầu tư mua giống, vật tư nông nghiệp…

Theo ông Phạm Toàn Vượng, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, những năm qua, Agribank cũng đã tham gia 4 dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, quản lý tài nguyên bền vững, phát triển cho vay chuỗi giá trị thông minh… Hiện nay, ngân hàng đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 4 dự án khác.

Trong thời gian tới, Agribank sẽ phối hợp triển khai tại 46 huyện, thành phố thuộc 13 tỉnh theo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu giai đoạn 2022 - 2025; đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác với Trung tâm khuyến nông Quốc gia để triển khai khai thác nguồn dữ liệu định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở, giá cả và thị trường nông sản; định hướng, chiến lược đầu tư ngành nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp cận doanh nghiệp đầu chuỗi để triển khai cho vay, cung cấp sản phẩm...

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai một số chương trình, đề án, dự án trọng điểm về phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025; Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Ngoài ra, còn một số chương trình, đề án trọng điểm đang xây dựng và trình phê duyệt như: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề án đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; Đề án nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị ngành hàng muối; Chương trình đưa lao động nông nghiệp, thành viên hợp tác xã nông nghiệp đi làm việc và học tập ở các nước nông nghiệp phát triển. Những chương trình, đề án, dự án này đều cần có sự tham gia tích cực từ phía các ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục