Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt

15:05' - 29/10/2020
BNEWS Hàng hoá Việt Nam được hưởng lợi gia tăng xuất khẩu do các FTA mang lại, song cũng phải đối mặt với thách thức khi lượng hàng hoá các nước nhập khẩu vào thị trường nội địa nhiều hơn.
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng hoá Việt Nam được hưởng lợi gia tăng xuất khẩu do các FTA mang lại, song cũng phải đối mặt với thách thức khi lượng hàng hoá các nước nhập khẩu vào thị trường nội địa nhiều hơn. Để tăng cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp cần phải chú ý cải tiến công nghệ sản xuất để phù hợp với nền kinh tế số hiện nay.

*Nhiều thách thức từ hàng nhập

Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa. Thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...

“Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở các hệ thống siêu thị Co.opmart chiếm từ 90-93%, Satra từ 90-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…

Tuy nhiên, các sản phẩm hàng hoá trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của các quốc gia khác sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan.

Việc mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”. Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức. 

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Do quy mô nhỏ bé nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế.

Ngoài ra, đến nay, Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và nước ngoài. Theo tổng hợp của dự án LinkSME, các công ty Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương.

Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản tại các nước láng giềng. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hạn chế.

Ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp Tài chính Khách hàng - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cho rằng, áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài trên thị trường Việt Nam ngày càng lớn.

Ngoài EVFTA, Việt Nam cũng đã mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo một số cam kết FTA khác. Nhu cầu của khách hàng đối với giao dịch tài chính ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở giá mà đòi hỏi mức độ phong phú về dịch vụ, chất lượng dịch vụ. Việt Nam đã gỡ bỏ dần các hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài, đặt các doanh nghiệp tài chính Việt Nam trong thế bắt buộc phải cạnh tranh bình đẳng hơn để thu hút khách hàng. 

Chia sẻ thêm về vấn đề cạnh tranh với hàng nhập, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, với thị trường EU, trong giai đoạn hậu dịch COVID-19, hàng chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, ngành thực phẩm sẽ cạnh tranh mạnh với hàng nhập khẩu từ EU, hiện không khó để tìm mua các loại trái cây ngoại như táo, nho, lê, cherry, việt quất, cam… trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp Việt Nam.

*Hướng đi cho doanh nghiệp

Trước bối cảnh khó khăn chung, hiện Bộ Công Thương và các bộ ngành đã, đang và sẽ triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Lê Việt Nga cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài...

"Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng. Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ; học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh", bà Lê Việt Nga nói. 

Trao đổi tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ nhận định, hiện các doanh nghiệp Việt sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường – mở cửa vẫn còn rất yếu. Do vậy, để vực các doanh nghiệp dậy, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp cấp bách.

Cụ thể, cần xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường đúng nghĩa, từ đó, có được môi trường cạnh tranh bình đẳng, tránh xin – cho. “Phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành một Chương trình – Chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu; trong đó, việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột”, ông Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên nêu thêm, “khởi nghiệp quốc gia” cần được thiết kế lại đúng tầm, đúng yêu cầu thời đại để nhanh chóng “thay máu doanh nghiệp” cho nền kinh tế. Muốn vậy, cần đặc biệt chú ý đến cách xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số - công nghệ cao – trí tuệ.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục