Tăng thuế bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững

19:47' - 01/04/2018
BNEWS Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, điều tiết vào sản phẩm, hàng hóa (hàng hóa) khi sử dụng, gây tác động xấu đến môi trường.
Bộ Tài Chính điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Theo TS Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính (từ ngày 1/7/2018) đối với các mặt hàng xăng dầu cần phải tăng lên kịch khung nhằm hoàn thiện chính sách tài chính, hướng tới phát triển bền vững và cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Luật Thuế bảo vệ môi trường ban hành năm 2010 là một trong những chính sách góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới và lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập cũng như thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu.

Qua đó, tăng thu cho ngân sách Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam còn ở mức thấp, đứng thứ 44/180 nước từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

“Do vậy, chính sách thuế bảo vệ môi trường cần phải sửa đổi phù hợp thông lệ quốc tế; thực hiện mục tiêu cải cách chính sách thuế bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ”, TS Nguyễn Viết Lợi cho biết.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, điều tiết vào sản phẩm, hàng hóa (hàng hóa) khi sử dụng, gây tác động xấu đến môi trường. Đây là loại thuế không áp vào doanh nghiệp mà áp vào người sử dụng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng.

Trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh (từ 20% xuống 8% từ năm 2021, đến năm 2023 còn 5% và năm 2024 còn 0% khi nhập khẩu từ các nước ASEAN) và giá xăng dầu của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực nên ảnh hưởng của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với giá cả thị trường là tương đối hạn chế.

Theo TS Nguyễn Viết Lợi, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ hướng người dân tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, thân thiện môi trường. Đối với các trường hợp thuộc diện dễ bị tổn thương thì Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống.

Riêng với thu ngân sách Nhà nước, việc tăng thuế bảo vệ môi trường không chỉ góp phần cơ cấu lại nguồn thu mà còn đảm bảo chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí…

Về tác động đối với giá bán, TS Nguyễn Viết Lợi cho biết, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở và là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu là không đáng kể.

Mặt khác, việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm bù đắp số giảm thu ngân sách Nhà nước do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do để tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm.

TS Nguyễn Viết Lợi khẳng định, việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, qua đó thực hiện các cam kết quốc tế và giảm phát thải ô nhiễm. Do đó, cần phải đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh mức thu thuế phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như các cam kết hội nhập./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục