Tăng thuế tiêu dùng: Cơ hội để thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt ở Nhật Bản

06:30' - 27/09/2019
BNEWS Việc Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng vào đầu tháng 10/2019 vừa để tăng thu ngân sách và đây được coi là cơ hội tốt để xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt ở nước này.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại một khu chợ ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Nikkei Asia Review, tại thời điểm này, tiền mặt là vua. Người dân Nhật Bản thường ra đường với những chiếc ví dày. Theo Cục Đúc tiền Nhật Bản, việc làm giả đồng tiền của nước này là cực kỳ hiếm, trong khi các hộ gia đình ở Nhật Bản thường có hơn 50% tài sản của mình bằng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bởi vì đó là nền tảng cho sự phát triển của các công cụ tài chính hiện đại cần thiết cho Nhật Bản để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan tới trí tuệ nhân tạo, robot… Ngoài ra, còn một số lý do thực tế khác như có thể theo dõi dòng tiền một cách hiệu quả hơn.

Trước đó, Nhật Bản đã chuẩn bị nền tảng cho việc phát triển xã hội không tiền mặt. Năm 2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố sách trắng về chính sách công nghệ tài chính (fintech), trong đó đặt ra ba mục tiêu và một trong những mục tiêu này là nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt từ 18% năm 2017 lên 40% vào năm 2027.

Cùng với việc sửa đổi Đạo luật Ngân hàng năm 2017 nhằm hỗ trợ việc triển khai “ngân hàng mở”, các nỗ lực của METI đã dẫn tới sự phát triển của các hệ thống thanh toán điện tử và hiện nay, hàng chục hệ thống khác nhau đang cạnh tranh để thu hút người dùng trên các điện thoại thông minh.

Và việc tăng thuế tiêu dùng là bước đi tiếp theo. Trong bối cảnh việc tăng thuế có thể dẫn tới rủi ro là người dân cắt giảm chi tiêu và đợt tăng thuế tiêu dùng lần trước đã đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này vào suy thoái, METI đã thông qua chiến dịch kéo dài 9 tháng về việc hoàn tiền cho người tiêu dùng dưới dạng điểm nếu họ sử dụng một trong 40 hệ thống thanh toán điện tử đã được chấp thuận để mua hàng tại một trong gần 500.000 cửa hàng đã được lựa chọn.

Người tiêu dùng có thể nhận số tiền 2% hoặc 5% trong tổng số tiền chi tiêu tùy thuộc vào địa điểm họ mua hàng thông qua ứng dụng tiền điện tử mà họ sử dụng khi mua sắm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trợ cấp để hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt ở Nhật Bản.

Đây là cú hích lớn cho ngành thanh toán điện tử, nhưng việc xác định người thắng cuộc vẫn chưa rõ ràng.

Tháng 3/2019, Tập đoàn Tài chính Mizuho đã tung ra dịch vụ J-Coin Pay, một hệ thống thanh toán dựa trên mã QR, với sự tham gia của 60 tổ chức tài chính khác, nhưng người tiêu dùng có vẻ vẫn thờ ơ với dịch vụ này. Trong khi đó, trong nhiều năm, Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ đã phát triển tiền điện tử trên cơ sở công nghệ và dự định sẽ cho ra mắt đồng tiền ảo này vào cuối năm nay.

Mặt khác, các công ty công nghệ như Rakuten, Yahoo Japan và công ty quản lý ứng dụng nhắn tin Line đang rất tích cực trong việc thúc đẩy các ứng dụng thanh toán tiền điện tử của mình thông qua việc cung cấp thêm các lợi ích như điểm trung thành hay chiết khấu khi sử dụng cho các giao dịch trên trang thương mại điện tử của họ.

Sự hỗ trợ của Chính phủ cho việc chấp nhận tiền điện tử một cách rộng rãi hơn là cơ hội vàng cho các công ty công nghệ muốn có thị phần lớn hơn trên thị trường cung cấp dịch vụ ví điện tử cho người tiêu dùng Nhật Bản. Những công ty như Rakuten và Yahoo Japan có thể thâm nhập vào các dịch vụ tài chính một cách dễ dàng hơn nhờ hệ thống dữ liệu về thói quen chi tiêu và mối quan tâm của người dùng cũng như khuynh hướng của họ đối với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư lớn hơn vào hạ tầng cụ thể cho các dịch vụ tài chính, nhưng đổi lại, các công ty công nghệ, vốn không có các hệ thống máy tính đắt đỏ như các ngân hàng, sẽ có thể gia tăng thị phần, nhất là trong số những người tiêu dùng trẻ, ưa thích công nghệ và quan tâm tới vấn đề chi phí.

Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ thống thanh toán tiền điện tử không phải không có khó khăn. 7Pay, một dịch vụ thanh toán của tập đoàn Seven & i Holdings – công ty mẹ đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện ích Seven-Eleven ở Nhật Bản, đã phải hứng chịu cuộc tấn công nghiêm trọng ngay sau khi ra mắt hồi tháng 7/2019 và công ty này đã buộc phải dừng dịch vụ này.

Cùng với Seven & i Holdings, Mizuho đã phát hiện hệ thống thanh toán thử nghiệm J-Coin Pay bị xâm nhập vào ngày 27/8 ảnh hưởng tới dữ liệu của hàng ngàn người dùng và các cửa hàng tham gia.

Vì vậy, vẫn còn quá sớm để nói liệu người dân Nhật Bản có thực sự chuyển sang tiền điện tử hay không và liệu các công ty công nghệ sẽ chuyển sang cung cấp thêm các dịch vụ tài chính thông qua các ứng dụng tiền điện tử của họ. Nếu điều này diễn ra, trong tương lai, người tiêu dùng Nhật Bản có thể hy vọng ra đường với những chiếc ví mỏng hơn đáng kể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục