Tăng tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng

17:36' - 10/03/2021
BNEWS Hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước tăng 7,4%; trong đó, ngành chế biến, chế tạo đạt 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%), có dấu hiệu trở lại mức tăng 2 con số như trước khi có dịch COVID-19.

Mặc dù trong tháng 2/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và phải thực hiện một số biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội tại một số khu vực, địa phương trong thời gian ngắn vừa qua nhưng với sự chỉ đạo sát sao hiệu quả của Chính phủ trong các lĩnh vực, dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định; đồng thời, với sự linh hoạt của các đơn vị sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế tháng 2 khả quan với nhiều điểm sáng…

*Những điểm sáng

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước tăng 7,4%; trong đó, ngành chế biến, chế tạo đạt 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%), có dấu hiệu trở lại mức tăng 2 con số như trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 5,49% (cùng kỳ tăng 5,4%); không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ Tết, nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Thị trường tiền tệ, tín dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán ổn định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thanh khoản các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân và các tổ chức kinh tế.

Nổi bật là số lượng đăng ký doanh nghiệp dù ảnh hưởng nghỉ Tết Nguyên đán nhưng tiếp tục chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 8.000 doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 doanh nghiệp trong các tháng Tết của giai đoạn 2016- 2020.

Tháng 2/2021, ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi chỉ có gần 7.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 19,8% so với cùng kỳ. “Điều này phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế”, ông Phạm Đình Thúy cho biết.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 1,29 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 23,2% và nhập khẩu tăng 25,9%.

Cũng trong tháng 2, cả nước giải ngân 23,48 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là tỷ lệ giải ngân đáng ghi nhận trong bối cảnh năm đầu triển khai kế hoạch 5 năm 2021-2025; đồng thời, trùng với thời gian kỳ nghỉ Tết và dịch COVID-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2021 cũng cần lưu ý một số điểm như: đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn cần tiếp tục để bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch COVID-19. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 2 tháng đầu năm 2021 tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 8% của năm 2020; số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm 8,4%. Dó đó, các địa phương cần lưu tâm tới số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong các ngành dịch vụ, du lịch rút lui khỏi thị trường.

Cùng với đó, tình hình đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, trong tháng 2, tổng vốn đăng ký mới chỉ đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020. “ Dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi chậm trong năm 2021 và hoạt “động đầu tư sẽ chủ yếu thông qua phương thức mua bán, sáp nhập”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý.

*Cần có những chính sách hợp lý

Thời gian qua, Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch. Đó là thành quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch bệnh trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế; đồng thời, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài.

Từ đó, tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước mắt, dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, khẩn trương thực hiện nhanh, hiệu quả việc tiêm vắc xin, tạo điều kiện tốt nhất phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Để nền kinh tế tăng trưởng vững chắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những giải pháp quan trọng cần tập trung, đó là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường đối tác.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc đầu tư nước ngoài; chủ động rà soát kỹ hoạt động mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bên cạnh các giải pháp thì trong thu chi ngân sách cần mở thêm tài khóa, chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Phải mở thêm chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu đầu tư công, mở thêm bội chi ngân sách nhưng phải chi hiệu quả các chính sách đầu tư công vào những dự án trọng điểm như hạ tầng, sân bay Long Thành, đường cao tốc, chống ngập, chống mặn, hồ chứa nước; tăng cường giải ngân hơn nữa, đồng thời, có chương trình hạ miễn thuế, giảm thuế cho chuyển đổi số và những mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo…

Và để doanh nghiệp có thể đóng góp vào tăng trưởng tốt hơn, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica VietNam cho rằng, chúng ta cần phải có những biện pháp để có thể kích thích sự tăng trưởng của một số doanh nghiệp có tiềm năng, một số ngành nghề kinh tế có tiềm năng để các doanh nghiệp này phục hồi và tạo ra năng lực cạnh tranh riêng của Việt Nam.

“Theo đó, những biện pháp phát triển kinh tế này sẽ ở mức độ khác hơn  - phải tập trung vào nhóm doanh nghiệp có mục tiêu, những ngành nghề có mục tiêu, những ngành nghề có khả năng tăng trưởng cao hơn, có khả năng đóng góp cho tăng năng suất lao động cũng như năng suất chung của ngành kinh tế. Điều đó sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam có sự phát triển bền vững hơn trong những năm tới”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Đối với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.

Hiện, bộ đã có những báo cáo sơ bộ trước khi trình Chính phủ; trong đó, khẳng định do tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp phải một số khó khăn, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, trong phòng chống dịch, các giải pháp về giãn cách xã hội, phong tỏa cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giao thương, giao dịch về mặt kinh tế. Đầu năm 2021, tác động này rất khác so với năm 2020, do các nước trên thế giới và ở Việt Nam đồng loạt áp dụng chính sách phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hành công văn gửi các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu; trong đó, có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục