Tăng tốc thanh toán không tiền mặt nhờ kết nối dữ liệu

19:40' - 16/06/2023
BNEWS Thanh toán không tiền mặt dự kiến sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi hoạt động kết nối dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực… được tích hợp, thực hiện đồng bộ.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi thành phần trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn… Điều này đã tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Hội thảo Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội, do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh chiều 16/6.
 

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, sau 2 năm triển khai Quyết định số 1813 năm 2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu, kết quả về thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được rất ấn tượng. Đó là tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 75%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả. Đồng thời, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng…

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06). Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, triển khai.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực và chủ động trong việc phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành khác triển khai hiệu quả Đề án 06. Cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai các nội dung của Đề án này với 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Đến nay đã hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ hơn 83%).

Để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin ưởng trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn như các Chương trình, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt.

Các chuyên gia cho rằng, thanh toán không tiền mặt dự kiến sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi hoạt động kết nối dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực… được tích hợp, thực hiện đồng bộ.Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Do đó, hội thảo năm nay lấy chủ đề "dữ liệu" là điểm nhấn, góp phần phát triển hoạt động thanh toán thông minh, thúc đẩy phát triển xã hội, qua đó tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phân tích, khai thác và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nói chung và lan tỏa thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội. Trên thực tế, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu cũng đang được nhiều bộ ngành tập trung thực hiện nhằm góp phần chuyển đổi số mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay người dân có mã số thuế riêng bên cạnh số căn cước công dân. Tuy nhiên, tới đây sẽ bỏ mã số thuế và dùng số căn cước công dân làm mã số thuế. Đây là một nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính và khi người dân được cấp căn cước công dân sẽ được coi như là được cấp mã số thuế.

Ông Toàn cho rằng, việc này nhằm ba mục tiêu là thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất, tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.

Để làm được điều này phải đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu. Tính đến nay, ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. Tuy nhiên, khi rà soát thì phát hiện nhiều trường hợp đã chết hoặc mất tích chưa được ngành thuế cập nhật kịp thời.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện ngành thuế đang đẩy nhanh quá trình đối chiếu, làm sạch dữ liệu. Đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát, đối chiếu. Việc đồng bộ dữ liệu được hoàn tất sẽ tạo điều kiện rất lớn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế, nhất là những thủ tục như kê khai người phụ thuộc, thừa kế, quà tặng, miễn thuế với căn nhà duy nhất…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục