Tăng trưởng dân số - động lực kinh tế Mỹ đang chững lại

05:30' - 28/07/2021
BNEWS Theo Wall Street Journal, tốc độ tăng trưởng dân số yếu của Mỹ, vốn đã bị kìm hãm bởi sự sụt giảm tỷ lệ sinh trong suốt thập kỷ qua, đang giảm xuống gần bằng không do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo các số liệu thống kê, trong năm 2020 số tiểu bang có tỷ lệ người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra đã tăng mạnh từ 5 tiểu bang năm 2019 lên khoảng một nửa trong tổng số 50 tiểu bang ở nước Mỹ. Các ước tính ban đầu cho thấy tổng dân số Mỹ chỉ tăng 0,35% trong năm kết thúc vào ngày 1/7/2020, mức thấp nhất từng được ghi nhận và dự kiến tỷ lệ này sẽ gần như không đổi trong năm nay.

Tăng trưởng dân số là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quy mô của thị trường lao động, sức mạnh kinh tế cũng như tài khóa của một quốc gia. Việc tốc độ tăng trưởng dân số thấp trong một năm không đồng nghĩa với việc tình trạng nhân khẩu học của nước Mỹ trong tương lai sẽ có vấn đề. Điều khiến các nhà nhân khẩu học quan tâm là trước đây nền kinh tế suy yếu khiến cho tỷ lệ sinh đẻ giảm xuống, đó thường chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ đảo ngược khi nền kinh tế hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh vào năm 2007, tỷ lệ sinh đẻ tại Mỹ không bao giờ phục hồi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2007-2008, mặc dù sau đó người Mỹ đã có một thập kỷ tăng trưởng kinh tế.

Các nhà nghiên cứu cho biết, với tỷ lệ sinh đang giảm xuống, tác động từ đại dịch COVID-19 có thể tạo thành một “vết sẹo” đối với sự gia tăng dân số. Ảnh hưởng lần này có thể còn sâu rộng hơn so với các giai đoạn bất ổn kinh tế trong lịch sử, chẳng hạn như thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 hay giai đoạn đình trệ và lạm phát những năm 1970, bởi vì xu hướng ngày người dân ngày càng sinh ít đi hiện nay.

Richard Jackson, Chủ tịch của Viện Lão hóa Toàn cầu (Global Aging Institute), một nhóm nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận cho biết: “Nền kinh tế thế giới phát triển trong hai thế kỷ qua được xây dựng dựa trên sự mở rộng nhân khẩu học. Chúng tôi không còn có lợi thế kinh tế và địa chính trị lâu dài này nữa".

Mức độ ảnh hưởng của vấn đề này phụ thuộc vào một số biến số có thể thay đổi chiều hướng trong những năm tới. Người nhập cư, chiếm từ 1/3 đến 1/2 mức tăng dân số của Mỹ trong thập kỷ qua, đang gia tăng trở lại vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nới lỏng một số hạn chế vốn được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nền kinh tế đang phục hồi cũng thu hút những người tìm việc. Số người nhập cư tăng mạnh có thể giúp bù đắp số ca sinh đẻ ít hơn.

Nicholas Eberstadt, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), lưu ý rằng Trung Quốc, Nga và các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế trong một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với Mỹ và các nước này cũng có dân số già hơn so với Mỹ. Ông Eberstadt nói: “Tình hình nhân khẩu học của Mỹ tương đối thuận lợi. Lá bài quyết định sẽ là vấn đề người nhập cư”.

Theo dự đoán của các nhà kinh tế Melissa S. Kearney và Philip Levine, năm nay nước Mỹ sẽ ghi nhận tỷ lệ sinh giảm ít nhất khoảng 300.000 ca vì nền kinh tế bất ổn và đại dịch COVID-19 đã không khuyến khích phụ nữ sinh con. Dữ liệu tạm thời của Chính phủ Mỹ cho thấy số ca sinh trong ba tháng đầu năm 2021 đã giảm so với năm 2020.

Sự suy giảm dài hạn bắt nguồn từ việc thế hệ Millennials (thế hệ Thiên niên kỷ, hay còn gọi là thế hệ Y) - những người sinh ra trong giai đoạn từ 1980-2000 - sinh ít con hơn. Nhiều nhà nhân khẩu học cho biết, ngoài vấn đề kinh tế bất ổn và dịch bệnh thì tình trạng mất an toàn tài chính kéo dài ở những người trưởng thành trẻ tuổi và trình độ học vấn ngày càng cao của phụ nữ cũng là các yếu tố dẫn tới tỷ lệ sinh giảm đi.

William Frey, nhà nhân khẩu học tại Viện Brookings, cho biết ông không nghĩ rằng tổng dân số sẽ giảm, một phần vì dân nhập cư sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Ông Frey cho biết, tác động của đại dịch đối với mức sinh có thể tồn tại trong thời gian ngắn nếu nền kinh tế cải thiện thúc đẩy thế hệ trẻ và những người thuộc thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 trở lại đây) bắt đầu xem xét việc sinh đẻ.

Tỷ lệ tử vong do đại dịch COVID-19 giảm cũng sẽ giúp giảm bớt vấn đề, nhưng Mỹ vẫn phải đối mặt với những áp lực khác về tỷ lệ tử vong. Tỷ lệ tử vong do sử dụng ma túy quá liều tăng mạnh và tỷ lệ tử vong do các vụ giết người và một số bệnh mãn tính cũng gia tăng vào năm ngoái. Điều đó đã khiến tuổi thọ bình quân của người Mỹ giảm 1,5 năm, mức giảm lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong thập kỷ qua, rất nhiều cộng đồng trên khắp nước Mỹ đã phải vật lộn với dân số già và thiếu người trẻ. Số liệu điều tra dân số cho thấy, số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh ở khoảng 55% các quận trên khắp nước Mỹ trong năm kết thúc vào ngày 30/6/2020, tăng so với mức khoảng 37% đầu thập kỷ trước. Tất cả các quận ở Mỹ, từ thành thị đến nông thôn, đều chứng kiến sự giảm số lượng sinh trên mỗi ca tử vong trong nửa cuối của năm 2020 so với 6 tháng đầu năm.

Hiện tượng này diễn ra nghiêm trọng nhất ở vùng nông thôn Mỹ, nơi các thị trấn nhỏ và các quận dân cư thưa thớt thường thiếu việc làm, nhà ở và các lựa chọn chăm sóc trẻ em mà các gia đình trẻ cần. Theo ước tính, sự kết hợp giữa cư dân già và ít người trẻ hơn ở các quận như vậy đã khiến tỷ lệ tử vong trung bình cao hơn so với tỷ lệ sinh trong 8 năm qua.

Các quận ở khu vực đô thị, thường có dân số trẻ hơn, có tỷ lệ số trẻ sinh ra so với số người tử vong cao hơn các quận nông thôn. Tuy nhiên, khoảng 20% trong số 368 quận ở ngoại ô của các khu vực đô thị lớn nhất - những quận có từ một triệu người trở lên - đã chứng kiến số ca tử vong vượt quá số sinh nói chung trong thập kỷ qua.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vào năm 2019, chỉ có một số tiểu bang có tỷ lệ người chết cao hơn so với số trẻ sinh ra, đó là các bang West Virginia, Maine, New Hampshire, Rhode Island và Vermont.

Theo dữ liệu tạm thời từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiện các bang có số ca tử vong vượt quá số sinh trải khắp nước Mỹ, từ Wisconsin và Michigan đến Nam Carolina, Florida, Montana và Oregon.

Kenneth Johnson, nhà nhân khẩu học cao cấp tại Đại học New Hampshire, cho biết trong khi nhiều bang trong số đó có khả năng đảo ngược xu hướng trên một khi đại dịch kết thúc, thì số ca tử vong sẽ tiếp tục cao hơn số sinh ở nhiều vùng của nước Mỹ khi dân số già đi.

Neil Howe, nhà kinh tế và giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu Hedgeye Risk Management, cho biết trong lịch sử, gần một nửa tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm cả người nhập cư.

Các dự báo ngân sách liên bang gần đây cho thấy tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động tiềm năng sẽ tiệm cận mức 0 trong nhiều năm tới, giảm từ mức 2,5% bắt đầu từ giữa những năm 1970 xuống 0,5% từ năm 2008 đến năm ngoái.

Các nhà kinh tế nói rằng sự thay đổi này sẽ khiến nước Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào người nhập cư để tăng lực lượng lao động, mặc dù điều đó phải đối mặt với những áp lực riêng. Tỷ lệ sinh của Mexico đã giảm đều đặn, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước cung cấp người nhập cư hàng đầu khác cho Mỹ - cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài, cùng với sự gia tăng dân số đang giảm dần của Trung Quốc.

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán lẻ và khách sạn vì các ngành này phụ thuộc nhiều vào lao động trẻ. Các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật và công nghệ thông tin cũng sẽ phải vật lộn để thay thế quản lý cấp cao khi hàng triệu người sinh ra ở thời kỳ bùng nổ dân số sẽ nghỉ hưu. Theo thời gian, tỷ lệ sinh thấp hơn sẽ dẫn đến tỷ lệ những người được hưởng lợi về hưu cao hơn so với người lao động đóng thuế. Điều này sẽ làm tăng chi phí an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe (Medicare).

Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng sẽ hỗ trợ sự phát triển của các gia đình thông qua Kế hoạch “Gia đình Mỹ” trị giá 1.800 tỷ USD được đề xuất, bao gồm nghỉ phép có lương, trợ cấp chăm sóc trẻ em và trường mầm non miễn phí. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, những cách tiếp cận chính sách như vậy có những kết quả khác nhau trong việc nâng tỷ lệ sinh ở các nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục