Tăng trưởng nông nghiệp không thấp hơn 2,8%

15:22' - 03/03/2017
BNEWS Toàn ngành nông nghiệp quyết tâm, bám sát tình hình cụ thể để đưa ngay các giải pháp phát triển sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ngành không thấp hơn 2,8%.
Bộ NN và PTNT họp báo thường kỳ. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm, toàn ngành nông nghiệp quyết tâm, bám sát tình hình cụ thể để đưa ngay các giải pháp phát triển sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ngành không thấp hơn 2,8%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng toàn ngành quyết tâm để bù lại sự tăng trưởng chậm của năm 2016.
Những tháng đầu năm 2017, thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đó là vụ Đông Xuân ấm, mưa dứt trễ ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, mưa trái mùa xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Nam bộ... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

Vụ Đông Xuân ấm, ít mưa đã ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, đặc biệt việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với giống vải thiều Thanh Hà – giống chủ lực trong sản xuất vải hiện nay.
Trước diễn biến bất lợi cho ngành trồng trọt, lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, ông Trần Quốc Tuấn, Quyền Chánh văn phòng Bộ cho biết, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giao Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp vào Tây Nguyên kiểm tra, đánh giá tình hình và chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa ra gói kỹ thuật để ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là trên lúa, điều, tiêu, cà phê… để đưa ra những phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Cùng với yêu cầu theo sát, dự báo chính xác tình hình sâu bệnh đối với vụ Đông Xuân và Hè Thu, Cục Trồng trọt sẽ hướng dẫn các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long bố trí cơ cấu gieo cấy lúa hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào gieo sạ các giống lúa nếp do có thể gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Đối với diễn biến nhiệt độ ở miền Bắc đang khiến nhãn, vải ra hoa muộn, Cục Trồng trọt sẽ tập trung cán bộ, chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc để nếu có giảm về sản lượng nhưng được giá.
Về lĩnh vực thủy sản, ngành sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất 2 đối tượng chính là tôm, cá tra.

Trước mắt, Tổng cục Thủy sản sẽ sớm hoàn thành kế hoạch tổng thể phát triển ngành tôm theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ giao. Đó là trong tháng 3 Bộ phải trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam.
“Quan điểm của Bộ trưởng là giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 700.000-800.000ha, nhưng tập trung vào các giải pháp: thâm canh, quảng canh hợp lý, đi vào chuỗi giá trị, kiểm soát và mở thị trường để tạo đà tăng trưởng cho ngành tôm”, ông Trần Quốc Tuấn cho biết.

Về cá tra, Tổng cục Thủy sản sẽ giải quyết câu chuyện về giống, đảm bảo đủ giống và chất lượng giống phải tốt. Theo dự báo, năm nay giá cá tra sẽ duy trì ổn định ở mức cao. Về thị trường, mặc dù có khó khăn ở Mỹ, EU, nhưng Trung Quốc lại đang có những đơn đặt hàng lớn và cá càng to giá càng cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục