Tăng trưởng tín dụng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021

15:08' - 27/05/2022
BNEWS Đến 20/5 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2021.

Phát biểu tại chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến 20/5 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm 2021.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kết quả, cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. 

Đặc biệt những mảng có khó khăn nhiều như du lịch, khách sạn,… cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung; tín dụng lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ tăng trưởng 7,6%.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, cũng như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… trong hơn 2 năm qua bằng chính nguồn lực của mình nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.

Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng hết quý I năm nay mới đạt 5,04% nhưng cũng đã gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ nên nhiều ngân hàng đã cho vay tiệm cận hạn mức tín dụng được cấp đầu năm như: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank hạn mức tín dụng 10%, Ngân hàng Quân đội (MBbank) hạn mức tín dụng 14,8%,…

Báo cáo nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh (tăng 6,4% so với đầu năm), cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực về hiệu quả phòng chống dịch cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, các ngân hàng cũng sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, những ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như Vietcombank và MB sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức rất cao. 

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Để kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mặt khác, hệ thống tín dụng cũng tạo điều kiện để khai thác tối đa các nguồn lực trong nền kinh tế, thông qua các tổ chức tín dụng góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục