Tạo bứt phá cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Ngày 1/10, tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” nhằm tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên thuận lợi trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới được ưu đãi đầu tư để thúc đẩy tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo…
Nghị quyết đặt mục tiêu, đến năm 2025: duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo; trong đó, các đại biểu đã chủ yếu tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cụ thể như: cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư.Một số vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; trong đó tồn tại về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư. Về kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.
Tham luận tại diễn đàn, ông Thẩm Trung Hiếu, đại diện Quỹ đầu tư ThinkZone nêu lên những vấn đề "điểm nghẽn cổ chai" cần phải giải quyết để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó, tập trung vào hai vấn đề: khơi thông nguồn vốn tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng khả năng áp dụng thực tiễn của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ông Hiếu cho biết, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tổng số tiền đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD; trong đó, khoảng 90% là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Ông Hiếu cho rằng, với tỷ trọng lớn trong nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, các quỹ nước ngoài cần được khai thông cơ chế. Cùng với đó, ông Hiếu cũng chỉ ra những "điểm nghẽn" như: Quỹ đầu tư chỉ được phép do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập; Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được đầu tư quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Quỹ đầu tư phải kê khai các ngành nghề của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà quỹ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư... Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ và đề xuất các cơ quan quản lý Việt Nam xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới về việc đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, điển hình là Singapore với nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vị trí thứ 8 toàn cầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo và là quốc gia dẫn đầu khu vực về hoạt động đầu tư mạo hiểm. Để đạt được kết quả đó, theo các chuyên gia tại hội thảo, Chính phủ Singapore đã đóng một vai trò tích cực thông qua việc trực tiếp tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đóng vai trò là nhà cùng đầu tư (matching fund) thông qua các tổ chức khu vực công.Singapore đang tiếp tục thúc đẩy đầu tư quốc tế và khuyến khích các nhà quản lý quỹ mở hoạt động tại Singapore. Ngoài các quỹ đầu tư mạo hiểm, Singapore cũng là nơi có mạng lưới và nền tảng đầu tư thiên thần đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Một ví dụ khác là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, thời gian gần đây có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Tiểu vương quốc Dubai đã khởi động “Chiến lược kinh tế đổi mới sáng tạo” với mục tiêu tăng gấp đôi mức đóng góp của các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo vào GDP, từ 2,6% năm 2020 lên 5% vào năm 2025.Dubai sẽ cung cấp các gói giải pháp linh hoạt, đi kèm các ưu đãi vào các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Một chủ đề khác cũng được diễn đàn rất quan tâm đó là bộ Chỉ số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (BII) và khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo khu vực công trong các cơ quan trung ương và địa phương (PSII) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng một số tổ chức xây dựng.Đây là những bộ chỉ số quan trọng, giúp Việt Nam đánh giá được thực trạng đổi mới sáng tạo trong khu vực công cũng như khu vực tư và từ đó có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp toàn nền kinh tế.
Tại diễn đàn, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất, Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020. Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đánh giá, hội thảo là cầu nối giữa thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành để cùng nhau đánh giá những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên. "Diễn đàn thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội và sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu; trong đó bao gồm 10 đại diện cơ quan nhà nước tham gia đối thoại, 100 đại biểu là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu và đại diện các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế" - ông Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông tin.Trong khuôn khổ diễn đàn, Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2027 đã diễn ra với mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao vai trò của thanh niên trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Các nội dung chính của Chương trình phối hợp bao gồm: phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực kinh doanh, chuyển đổi số cho thanh niên và doanh nghiệp, hợp tác xã do thanh niên làm chủ; phổ biến thông tin về chương trình hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phù hợp với quy định tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, tuyên truyền nhân rộng các tấm gương, điển hình về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, mô hình áp dụng chuyển đổi số, mô hình đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế hiệu quả, có tính lan tỏa, đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Cùng với đó, phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới tri thức trẻ, doanh nhân trẻ Việt Nam toàn cầu và kết nối các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các quỹ đầu tư cho mục tiêu phát triển Việt Nam; tham mưu, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thanh niên và hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam do thanh niên làm chủ với mục tiêu phát triển bền vững./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Đổi mới sáng tạo hình thành làn sóng phát triển mới về kinh tế-xã hội tại Hải Phòng
16:07' - 28/09/2022
Ngày 28/9, Tuần lễ đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp (Techfest Haiphong 2022) chủ đề "Hải Phòng - Thành phố đổi mới sáng tạo - Điểm đến thành công" đã được tổ chức.
-
Kinh tế Việt Nam
Diễn đàn “Không gian đổi mới sáng tạo”
15:47' - 23/09/2022
Ngày 23/9, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn “Không gian đổi mới sáng tạo”.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ
18:52' - 13/09/2022
Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang làm trưởng đoàn, đã làm việc tại một số cơ quan của Cộng hòa Pháp.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của 4 doanh nghiệp
22:31' - 03/12/2024
Bộ Công Thương cho biết, do không hoạt động kinh doanh rượu trong 12 tháng liên tiếp nên có 4 doanh nghiệp phân phối rượu vừa bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X: Viết nên câu chuyện Việt Nam trong kỷ nguyên mới
22:19' - 03/12/2024
Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại là sự kiện quan trọng, một diễn đàn đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các cá nhân, tập thể trong công tác thông tin đối ngoại.
-
Kinh tế Việt Nam
Thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại Phiên họp thứ nhất
21:56' - 03/12/2024
Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa ra Thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Điện hạt nhân cần phải tính đến trong dài hạn và là tất yếu
21:10' - 03/12/2024
Điện hạt nhân cần phải tính đến trong dài hạn và là tất yếu, không có cách nào khác. Chủ trương phát triển điện hạt nhân này cần xem xét một cách mạnh mẽ, khẩn trương và quyết liệt.
-
Kinh tế Việt Nam
Lạng Sơn thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc
19:04' - 03/12/2024
Tọa đàm, giới thiệu môi trường đầu tư tỉnh Lạng Sơn đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Quảng Tây và nhiều địa phương khác của Trung Quốc đã diễn ra chiều 3/12.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương mới đạt hơn 30%
18:49' - 03/12/2024
Chiều 3/12, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến với 53 địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng và các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
-
Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả sản xuất thông tin giữa Việt Nam và Cuba
18:19' - 03/12/2024
Chiều 3/12, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Tuấn Hùng đã làm việc với Đoàn đại biểu Báo Granma, do ông Oscar Alberto Sanchez Serra, Phó Tổng Biên tập, làm Trưởng đoàn.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất chủ trương nâng cấp Quốc lộ 1A
17:27' - 03/12/2024
UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ cầu Đuống mới đến hết địa phận huyện Gia Lâm.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học
15:40' - 03/12/2024
Trước diễn biến phức tạp của bệnh truyền nhiễm việc việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và hữu cơ là hết sức cấp thiết để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.