Tạo chuỗi liên kết cho thực phẩm an toàn

05:02' - 08/07/2016
BNEWS Hiện nay, thực phẩm "bẩn" đang trở thành mối nguy ngày càng tăng đối với sức khỏe người dân trong xã hội. Ăn gì, uống gì đảm bảo vệ sinh luôn là nỗi lo lắng thường trực của tất cả mọi người.

Trước vòng xoáy của thực phẩm "bẩn" ngày càng lớn và cơ quan chức năng chưa kiểm soát được thì để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình, người tiêu dùng đang tìm đến thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về mức độ an toàn của các sản phẩm này.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh... ngày càng xuất hiện nhiều các cửa hàng bán thực phẩm "sạch", "an toàn" phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong hệ thống các siêu thị lớn cũng bày bán các sản phẩm thực phẩm an toàn có dán tem VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Tại các chợ truyền thống thì người tiêu dùng chỉ mua thực phẩm của người quen. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Thực tế, đa phần người tiêu dùng hiện đang tin tưởng vào tem, nhãn dán trên sản phẩm bày bán tại các cửa hàng thực phẩm "sạch" hay hệ thống siêu thị. Còn tại các chợ truyền thống thì người tiêu dùng chỉ mua của người quen.

Chị Nguyễn Trang ở quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều thông tin về thực phẩm "bẩn" liên tiếp bị phát hiện. Ra chợ, ai cũng nói sản phẩm của mình là "sạch", nhưng chẳng có thông tin hay chứng nhận gì là sản phẩm của mình sạch. Bây giờ đi chợ tôi chỉ dám mua thực phẩm của người quen lâu nay vẫn tin tưởng".

Chị Trang cũng có vài lần hỏi người bán rau về nguồn gốc thì họ trả lời rằng, rau trồng ở Vĩnh Phúc, yên tâm không có thuốc trừ sâu. Cẩn thận hơn, gần đây chị Trang quyết định mua hộp xốp, hạt giống rau về tự trồng trên sân thượng nhà mình. Mặc dù, thêm thời gian vào công việc chăm sóc rau nhưng đổi lại chị yên tâm về vấn đề sức khỏe của mình và gia đình.

Khác với chị Trang, chị Hoàng Thủy, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, gia đình chị trước đây thường mua thịt bò tươi sống của Việt Nam tại các cửa hàng quen nhưng gần đây thấy rộ lên tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên chị quay sang mua thịt nhập khẩu cho bữa ăn của gia đình.

"Mặc dù, là thịt đông lạnh nhưng do được nhập khẩu từ các nước phát triển có quản lý tốt về chất lượng nên ăn thấy cũng yên tâm hơn. Hơn nữa gần đây có thêm mặt hàng thịt bò tươi Australia chất lượng cũng rất tốt. ” - chị Thủy nói.

Trồng rau sạch giờ đã là thói quen của người dân Hà Nội. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp nông thôn tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, về ngành hàng thịt lợn và rau, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn 30% giá trị của sản phẩm nếu biết được sản phẩm đó an toàn và có nguồn gốc rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho hay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và chất bảo quản trong chế biến thực phẩm đang rất phổ biến và ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm.

Trước yêu cầu lớn về thực phẩm sạch, trên kệ hàng của các cửa hàng tiện ích và các siêu thị đã xuất hiện những sản phẩm có gắn nhãn an toàn, nhãn GAP.

"Bên cạnh đó, nhiều đại gia đang đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các cửa hàng bán lẻ, nhưng họ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào vẫn là một ẩn số. Người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, khi có không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội về việc hình thức, đối phó trong thực hiện cũng như việc cấp chứng nhận GAP." - bà Minh cho biết.

Cũng theo bà Minh, đa số người tiêu dùng hiện nay chỉ biết thực phẩm an toàn mà họ vẫn mua hàng ngày bằng trực quan, tem, nhãn... Điều quan trọng là các nhà sản xuất có thực hiện đúng theo quy trình GAP hay không và mức độ sử dụng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật thế nào trước khi đến tay người tiêu dùng ?

Vì vậy, bà Minh cho rằng, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn là hết sức cần thiết. Để người dân nhận biết được các doanh nghiệp, cửa hàng làm ăn chân chính và minh bạch thông tin.

Đa số người tiêu dùng hiện nay chỉ nhận biết thực phẩm an toàn bằng trực quan, tem, nhãn... Ảnh minh họa: TTXVN

Bà Minh chia sẻ, những cơ sở làm tốt vẫn đang tồn tại, nhưng họ rời rạc và đơn lẻ. Một số đang cố gắng làm sạch tùy vào sức của mình, nhưng họ quá nhỏ bé và thường bị thương nhân, thương lái ép đủ bề nếu họ không đủ sức bứt lên được để có kênh phân phối riêng còn số khác, đành tặc lưỡi cho qua.

Vì vậy, các doanh nghiệp này phải liên kết lại với nhau, minh bạch thông tin nông sản cho người tiêu dùng biết.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, một trong những giải pháp đột phá trong thời gian tới chính là việc Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; trong đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý rất nặng. Điều này, giúp ngăn chặn và răn đe đối với cá nhân cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền cho thấy tác hại của chất cấm trong chăn nuôi. Làm sao để tạo ra thói quen cho người chăn nuôi có chất cấm nhưng vẫn không sử dụng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải biết tự bảo vệ mình, tẩy chay các sản phẩm không an toàn.

Hiện, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các địa phương yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc đồng hành cùng nhà nước, cam kết không sử dụng chất cấm.

Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, khâu liên kết trong các chuỗi sản xuất hiện còn lỏng lẻo do thiếu các doanh nghiệp bao tiêu, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu theo phương thức bán buôn qua các thương lái, nên hiệu quả chưa cao.

Theo ông Đăng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những chính sách vay vốn ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết quy mô lớn cũng cần được chú trọng hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ ủng hộ sáng kiến thành lập Hiệp hội thực phẩm Minh bạch để chủ động liên kết các nhà sản xuất, nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn.

Việc liên kết thông qua hiệp hội không chỉ giúp giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mà còn khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ để các doanh nghiệp trong Hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục