Tạo chuỗi liên kết để nông nghiệp phát triển bền vững

20:35' - 18/01/2019
BNEWS Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Tạo chuỗi liên kết để nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 18/1.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang từng bước được tái cơ cấu về sản xuất và mang lại những chuyển biến tích cực, sản phẩm nông nghiệp đóng góp ngày càng nhiều vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Việt Nam có khoảng 9 triệu hộ nông dân, nhưng mỗi hộ chỉ canh tác, sản xuất khoảng 0,5ha đất.

Điều này rất khó để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu dùng đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới ngày càng đòi hỏi sản phẩm nông lâm thủy sản phải có chất lượng cao hơn, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, nông nghiệp Việt Nam cũng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu khiến nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm, diện tích đất sản xuất ít đi, nguồn nước khan hiếm hơn, xâm nhập mặn, hạn hán...

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, để xử lý được một loạt những vấn đề đó, đưa nông nghiệp thành động lực cho tăng trưởng kinh tế cần có những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững theo phương châm “tạo ra nhiều hơn từ ít hơn”.

Nghĩa là cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng ít tài nguyên hơn mà vẫn tạo ra được sản phẩm có giá trị mới cao hơn.

Song song đó, phải chú trọng tới việc giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo quản tốt hơn, tăng cường chế biến để nâng cao giá trị cho nông sản.

Cùng chung nhận định, ông Kimura Yoshihisa, chuyên gia JICA tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, thực trạng chung của sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay là sản xuất với quy mô quá nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp.

Do đó, nông dân ít có lợi nhuận, không thể đầu tư vào trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị tàn phá, bỏ hoang phát sinh nhiều côn trùng gây bệnh, ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực.

Vì vậy, để phát triển nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần giải quyết được hai vấn đề là nâng cao năng suất và bố trí lại đất nông nghiệp; trong đó, các thửa ruộng nhỏ lẻ cần được dồn lại và hợp nhất nhằm tạo ra hiệu ứng đồng bộ.

Dẫn chứng cụ thể trong sản xuất lúa gạo, việc sản xuất trên cánh đồng lớn có thể rút ngắn được 50% thời gian lao động, nâng quy mô sản xuất của các hộ nông dân lên gấp 2 lần và giảm được khoảng 2/3 chi phí sản xuất so với sản xuất nhỏ lẻ.

Ngoài ra, việc quy hoạch lại đất đai cũng tạo điều kiện cho việc xây dựng các hệ thống tưới tiêu một cách hiệu quả và dễ dàng kết nối vận chuyển từ cánh đồng ra đường giao thông.

Việt Nam có thể áp dụng mô hình ngân hàng đất nông nghiệp đã được triển khai tại Nhật Bản từ lâu. Theo đó, cần có cơ quan hoặc tổ chức kết nối và tư vấn giữa những nông dân sở hữu đất nhưng muốn cho thuê và một bên là nông dân, doanh nghiệp cần thuê đất để sản xuất.

Từ đó giúp nâng cao hiệu số sử dụng đất, giải quyết được vấn đề nhiều diện tích đất đai bị bỏ hoang trong khi nhiều người không có đất để sản xuất.

Theo ông Kimura Yoshihisa, với nhu cầu thị trường hiện nay, việc nâng cao tính an toàn, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu hơn là “giá rẻ”.

Do đó, sản xuất nông nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu bền vững cần tăng cường khả năng áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng quốc tế.

Về tổng thể, Việt Nam cần xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất – chế biến – thương mại nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Liên quan tới vấn đề nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân – nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam cho biết, do chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại, dịch vụ nên lực lượng lao động nông nghiệp ở Việt Nam đang già hóa, nguồn lao động còn khá dồi dào nhưng trình độ sản xuất lại hạn chế.

Do đó, muốn nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững cần đào tạo nghề cho nông dân theo cách cầm tay chỉ việc, hỗ trợ các kỹ năng về tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm cũng như khuyến khích việc liên kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh việc hợp tác với các quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển hiện đại như Nhật Bản, Israrel trong việc chuyển giao kỹ thuật, trao đổi lao động nhằm rút ngắn thời gian đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục