Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm

18:09' - 26/12/2018
BNEWS Chiều 26/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm”.
Xây dựng cơ chế liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm khu vực phía Nam. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN

Đồng thời, thông tin về Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, ngoài những nghiên cứu quốc tế Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh còn những nghiên cứu mang tính chuyển giao và tư vấn, nên trường được UBND Thành phố giao thực hiện Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Đây là đề án không chỉ mang tính khoa học mà chú trọng hiệu quả cao trong triển khai thực tiễn, nên được Sở Công Thương đồng chủ nhiệm.

Khi đề cập đến vùng thường mang tính quy mô; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh với vai trò là siêu đô thị có mức độ tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn, nhưng vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa gắn kết đồng bộ, hệ thống với các địa phương cung ứng hàng hóa.

Chính vì vậy, nếu Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Mình và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” triển khai thành công vào thực tiễn thì sẽ mang lại giá trị gia tăng, đảm bảo tính an toàn cho người tiêu dùng, lợi ích thiết thực cho người sản xuất kinh doanh...

Qua hơn 6 tháng phối hợp với các sở, ngành, nhóm nghiên cứu Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” đã thực hiện nhiều khảo sát người tiêu dùng, chợ đầu mối, doanh nghiệp... thu được kết quả ban đầu; trong đó, tập trung các mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm và rau củ, quả là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày có quy mô lớn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải pháp liên kết nhưng vẫn có nhiều thách thức đòi hỏi sự đồng thuận của các tỉnh, thành để tạo ra cơ chế hiệu quả trong liên kết.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, những vấn đề đặt ra cho liên kết vùng là các tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ ổn định, còn Tp. Hồ Chí Minh có nguồn cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đây cũng là cơ sở quan trọng để tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, hạn chế việc giải cứu nông sản thực phẩm tại nhiều địa phương như trong thời gian qua. Từ đó, xác lập chuẩn hàng hóa như quy cách, đóng gói, bao bì, thương hiệu... nâng tầm nông sản xuất khẩu.

Để gắn kết sản xuất và tiêu thụ, Tp. Hồ Chí Minh cần phát tính hiệu thị trường, tạo dựng vùng cung cấp và nguồn hàng ổn định, yên tâm về chất lượng, giá cả... đồng thời, đóng vai trò trong nâng cấp hạ tầng thương mại, logistics, tiến đến hình thành các sàn giao dịch hàng hoá hiện đại, trực tiếp giữa nhà sản xuất và thương nhân.

Ông Trần Tiến Khai, Thư ký đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” cho hay, đề án được kỳ vọng có thể đề xuất các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tp. Hồ Chí Minh theo cơ chế quản lý thể chế liên vùng.

Trong đó, cải thiện cơ chế quản lý an toàn thực phẩm giữa cơ quan chức năng khu vực, xây dựng cơ chế liên kết dọc giữa các tác nhân sản xuất - chế biến - thương mại - tiêu thụ nông sản thực phẩm.

Theo đó, trong năm 2019, nhóm nghiên cứu Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” cần sự hỗ trợ tích cực của các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan quản lý thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để khảo sát và đánh giá các tiềm năng kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm thông qua tìm hiểu nhận thức, hành vi tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tiếp cận chuỗi cung ứng để giải quyết những vấn để quản lý an toàn thực phẩm, nhất là những loại thực phẩm đang gặp tình trạng thiếu đảm bảo an toàn thực phẩm./.

Xem thêm:

>>Bảo vệ thương hiệu hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

>>Truy xuất nguồn gốc nông sản Việt và câu chuyện thâm nhập thị trường thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục