Tạo cơ chế huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 4 tỉnh, thành phố

14:21' - 22/10/2021
BNEWS Sáng 22/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố.

Bốn tỉnh, thành phố này là Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
*Tăng tính tự chủ của chính quyền của địa phương
Trình bày báo cáo tóm tắt về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm.

Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.
Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết còn quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất… Hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 1/1/2022 và có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này chỉ đến hết năm 2025 để bảo đảm phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Về chính sách dư nợ vay, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.
*Thủ tục phân cấp, ủy quyền phải chặt chẽ
Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Các đại biểu Quốc hội đều hoan nghênh quyết sách đột phá nhằm tạo ra các cực tăng trưởng mới cho đất nước, có những cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy không chỉ địa phương mà cả vùng khu vực phát triển.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) nhận định: Ngoài vị trí địa lý quan trọng, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng lợi thế. Tỉnh hiện nay có 8 khu công nghiệp, thu hút gần 2,5 triệu lao động, đặc biệt có khu công nghiệp Nghi Sơn, nhiều dự án trọng điểm lớn, nên việc đầu tư phát triển tỉnh Thanh Hóa là yêu cầu cấp thiết.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nhìn nhận, Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh có dân số và diện tích lớn trong nhóm 5 của cả nước, kinh tế phát triển năng động nhưng cơ sở hạ tầng còn khó khăn.

Đại biểu chỉ rõ, giao thông chia cắt khiến từ trung tâm Nghệ An và Thanh Hóa ra Hà Nội còn nhanh hơn về các huyện vùng sâu, vùng xa của 2 tỉnh này. Vướng mắc này cần nhanh chóng được thay đổi bằng cơ chế chính sách đặc thù.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá, các chính sách chung của 4 tỉnh đã bám sát các Nghị quyết Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 26, Thông báo số 55 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết mới tập trung đề ra các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính còn vấn đề tổ chức bộ máy và đầu tư chưa được đề cập tới. Do đó, đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh này.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới. Nếu kết quả thí điểm hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới.

“Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, yêu cầu phát triển.

Các dự thảo Nghị quyết lần này đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương.
Trong đó, với Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là một trong những cực tăng trưởng của phía Bắc đã có những bứt phá mạnh mẽ thời gian gần đây cả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới…

Tầm nhìn của Hải Phòng đến năm 2045 không chỉ là cực tăng trưởng nữa mà trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước; phấn đấu là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành thành phố tầm cỡ trong khu vực. Do đó, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết riêng về phát triển thành phố Hải Phòng.
Đối với Thừa Thiên Huế, trước đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết đặt mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 10 năm thực hiện, Thừa Thiên Huế đã đạt được những bước phát triển tốt.

Tuy nhiên, khu vực nông thôn, như huyện miền núi A Lưới, có xuất phát điểm và hạ tầng rất khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Do đó, Bộ Chính trị đã có quyết sách mới, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là cố đô Huế. Do đó, các tiêu chí của thành phố di sản trực thuộc Trung ương cũng sẽ khác và cần có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ Thừa Thiên Huế đạt được mục tiêu này.
Vừa qua, Thanh Hóa đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phấn đấu trở thành một cực trong tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc bao gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa. Bên cạnh đó, khu vực miền Tây Thanh Hóa còn rất khó khăn.

Nghệ An cũng tương tự như vậy. Diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ tư cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền tây Nghệ An. Thanh Hóa và Nghệ An cũng là hai địa phương khởi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và hiện đang được nhân rộng ra cả nước.
Từ điều kiện và yêu cầu thực tiễn của từng địa phương như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần thiết phải có cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho các địa phương tiếp tục phát triển.
Các cơ chế, chính sách được Chính phủ trình Quốc hội lần này đã được các địa phương, các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về phân quyền, phân cấp, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ phân quyền, phân cấp một cấp và có kèm theo điều kiện trình tự, thủ tục rất chặt chẽ.

Cụ thể, các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng có thể phân cấp cho địa phương; thẩm quyền của Chính phủ có thể phân cấp cho Thủ tướng; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể phân cấp cho Chính phủ; còn thẩm quyền của Quốc hội có thể phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Không có việc phân cấp, ủy quyền đến 2-3 cấp vì sẽ phá vỡ nguyên tắc ủy quyền và phê chuẩn. Cùng với đó, trình tự, thủ tục phân cấp, ủy quyền, điều kiện phải rất chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục