Tạo "cú hích" cho phát triển kinh tế - xã hội

13:45' - 02/11/2017
BNEWS Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự phấn khởi vì 13 chỉ tiêu Chính phủ đề ra đều dự kiến đạt và vượt kế hoạch.

Sau 2,5 ngày làm việc, sáng 2/11, Quốc hội đã hoàn thành nội dung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự phấn khởi vì 13 chỉ tiêu Chính phủ đề ra đều dự kiến đạt và vượt kế hoạch. Đây là một thành công lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện sự cố gắng, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong năm 2017, qua đó góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đồng thời, các đại biểu mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua những hạn chế, bất cập, chỉ đạo, điều hành, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững, an sinh xã hội được bảo đảm.

Đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) hoan nghênh Chính phủ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật, khắc phục được tình trạng nợ đọng văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành - đây là điểm đáng ghi nhận. '

Thể hiện sự chia sẻ với Chính phủ trong công tác này, đại biểu Hùng cho rằng, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng cần thông cảm với Chính phủ bởi khối lượng công việc mỗi năm của Quốc hội và Chính phủ là rất lớn, trong đó có nhiều vấn đề phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ rất cần sự sẻ chia, thông cảm vì công việc chung của đất nước.
Thể hiện niềm tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng thể hiện băn khoăn về 2/13 chỉ tiêu dự kiến đã hoàn thành, cụ thể là số người mua bảo hiểm y tế và số giường bệnh/đầu người.
Đại biểu phân tích: Lượng người mua bảo hiểm y tế và có bảo hiểm y tế đã vượt cao hơn chỉ tiêu đề ra, tới thời điểm này là trên 83%, trong đó có nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc. Đây là điểm đáng mừng nhưng đây là bảo hiểm Chính phủ phát cho người nghèo. Đại biểu cho rằng cần có biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, thay đổi hành vi tự nguyện tham gia mua bảo hiểm y tế để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Nêu thực trạng nhiều cơ sở y tế được đầu tư khá và tốt nhưng số người bệnh chưa đông, ngược lại có nơi cơ sở y tế không đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh, đại biểu mong muốn Bộ Y tế cần có nghiên cứu, làm rõ thêm về vấn đề này.
* Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội cần là ưu tiên hàng đầu của nước ta. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của nước ta còn rất nhiều yếu kém. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là rất cần thiết để góp phần phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đại biểu hy vọng việc xây dựng, hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để có "cú hích" về phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Nêu quan điểm xây dựng hạ tầng giao thông tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: "thông lộ" sẽ "thông tài", đi liền đó sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội, chi phí vận chuyển, tạo ra các hoạt động thương mại, logictics và giao thông hàng hóa phát triển... tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, điều này cũng làm giảm đi các trường hợp quy hoạch treo. Khi quy hoạch, việc xây dựng, sửa chữa, lãng phí đất đai rất nhiều, vì vậy khi xây dựng hạ tầng sẽ tạo ra sức bật mới cho việc tăng trưởng - đại biểu nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục