Tạo đà phục hồi kinh tế-xã hội và phát triển trong hội nhập

13:29' - 23/03/2022
BNEWS Qua hai năm phòng, chống và thích ứng với đại dịch COVID-19 là minh chứng sinh động cho ý chí tự lực, tự cường của đất nước, của các cơ quan đơn vị, địa phương, từng gia đình và mỗi người dân Việt Nam

Ngày 23/3 tại Hà Nội, Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm "Tự lực Tự cường - Tạo đà phục hồi kinh tế xã hội và phát triển trong hội nhập". Sự kiện thu hút đông đảo giới nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương trên cả nước và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp

Toàn cảnh tọa đàm: "Tự lực, tự cường - Tạo đà phục hồi kinh tế xã hội và phát triển trong hội nhập". Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Nội dung của tọa đàm được thiết kế làm 2 phiên. Phiên 1 với chủ đề "Tự lực, tự cường trong thế giới hội nhập, toàn cầu hóa", tập trung giới thiệu một số tham luận của đại diện Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và Nhóm nghiên cứu về Hợp tác và Hội nhập khu vực (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB).

Phiên 2 là phần thảo luận nội dung tự lực, tự cường trong khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn hậu COVID-19 với sự tham gia của Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hoà, Bình Dương thông qua trực tuyến, Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Công ty cổ phần Halcom Việt Nam...

Khai mạc tọa đàm, ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, đất nước đã và đang trải qua những ngày tháng khó khăn của dịch bệnh COVID-19. Tình hình chính trị và kinh tế thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường khiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy và chưa hồi phục. Tất cả đang tạo nên những thách thức rất to lớn, song cũng chứa đựng nhiều cơ hội mới cho đất nước trỗi dậy phát triển mạnh mẽ hơn.

Qua hai năm phòng, chống và thích ứng với đại dịch COVID-19 là minh chứng sinh động cho ý chí tự lực, tự cường của đất nước, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, từng gia đình và mỗi người dân Việt Nam. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, tự lực, tự cường gắn liền với việc phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Tự lực, tự cường để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Ông Đỗ Tiến Sỹ kỳ vọng, tọa đàm sẽ tập trung nhiều ý kiến tâm huyết, những đề xuất, khuyến nghị có giá trị để làm rõ thêm nội dung về tự lực, tự cường gắn với quá trình phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội đất nước trong tình hình mới và trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân giữ vị trí quan trọng. Đó là nền kinh tế tuân theo đầy đủ các quy luật thị trường, nhưng cũng thể hiện những đặc trưng riêng có của Việt Nam, gắn liền với mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội.

Để phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; chuyển từ dựa chủ yếu vào lao động, đầu tư và khai thác tài nguyên sang dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh. Từ đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, vận dụng linh hoạt, thận trọng các chính sách kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảng và Nhà nước cũng đã chủ trương tích cực và chủ động hội nhập để đổi mới và phát triển, để nâng cao thế và lực của đất nước, từ đó giữ vững độc lập, tự chủ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn, dù có nhiều cải thiện nhưng năng lực nội sinh và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp; chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội có được từ hội nhập kinh tế quốc tế...Trong khi đó, vì nền kinh tế có độ mở cao, tỷ trọng xuất nhập khẩu trên GDP lớn nên Việt Nam dễ chịu tác động bởi các cú sốc, các biến động kinh tế thế giới trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, Việt Nam còn là quốc gia chịu phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn nước ngoài nhưng liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn yếu, lan tỏa công nghệ, tri thức của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài còn thấp.

Đồng tình quan điểm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, thực tế, các nền kinh tế có khả năng tự lực và tự cường cao thường chống chịu tốt với các khủng hoảng bên ngoài, từ đó dẫn đến phát triển mang tính bền vững. Như qua đợt bùng phát và lan rộng của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, xã hội của nhiều nước.

Những nền kinh tế có khả năng tự lực và tự cường có thể vượt qua biến cố này và quay lại phát triển nhanh và mạnh hơn trước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nước Bắc Âu... Ngược lại, một số nền kinh tế gặp khó khăn, thậm chí một số ngành có nguy cơ không thể phục hồi kể cả sau đại dịch. Một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu ÂU (EU) hướng đến tự lực ở một số lĩnh vực.

Các nền kinh tế có quy mô trung bình hoặc nhỏ thường hướng đến khả năng tự cường và nhấn mạnh vào khả năng thích ứng, vượt qua các biến động bên ngoài để có thể phục hồi nhanh chóng và phát triển ổn định. Khủng hoảng bên ngoài có thể là khủng hoảng kinh tế, tài chính, tăng giá nguyên liệu hoặc thiên tai, địch họa cũng như các biến cố chính trị. Tại Việt Nam, với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đàm phán, kí kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực tự lực, tự cường, tự chủ của nền kinh tế đất nước. 

Chia sẻ kinh nghiệm và thành công của Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, tự lực-tự cường là ý thức và phương châm không ngừng nâng cao sức mạnh nền tảng và cốt lõi của dân tộc trong nỗ lực phát triển. Bài học của Singapore, chính là tính bền vững và khả năng chống chịu; sức mạnh của quốc gia được tạo nên từ những giá trị kế thừa của phần còn lại của thế giới. 

Để trở thành một dân tộc thực sự tự chủ, tự lực và tự cường trong công cuộc phát triển, PGS.TS Minh Khương khuyến nghị Việt Nam có thể khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng với nguồn lực toàn cầu thông qua chiến lược thông thái và nỗ lực hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Người dân nỗ lực học hỏi, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại và kinh nghiệm phát triển hay nhất của thế giới; nêu cao ý thức trong xây dựng năng lực kiến tạo giá trị của toàn xã hội, đặc biệt về thể chế, con người và văn hóa./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục