Tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự trong xử lý tài sản

20:25' - 22/10/2021
BNEWS Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, năm 2021, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành hơn 3 ngàn việc, thu hồi hơn 4 ngàn tỷ đồng.

Chiều 22/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức buổi họp báo công tác tư pháp Quý III/2021.

Chất lượng thẩm định văn bản ngày càng được nâng cao

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong quý III, tình hình dịch COVID-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác tư pháp nói riêng.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tư pháp đã tham gia tích cực trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản liên quan đến lĩnh vực này như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15; Nghị quyết số 128/NQ-CP ủa Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”…; tham mưu các vấn đề pháp lý trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực tư pháp, Bộ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước của Bộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: lĩnh vực thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, thi hành án dân sự…

Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 44 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 1 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 32 dự thảo nghị định, 5 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và 9 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (gồm 6 đề nghị xây dựng luật, 2 đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội, 1 đề nghị xây dựng nghị định). Nhìn chung, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao, đảm bảo tiến độ.

Rà soát tổng thể quy định pháp luật

Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi phóng viên, báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi về thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết, năm 2021, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành hơn 3 ngàn việc, thu hồi hơn 4 ngàn tỷ đồng.

Năm qua rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cách ly phong tỏa, đặc biệt, nhiều địa phương số việc, tài sản lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Do đó, nhiều việc đang trong quá trình xử lý phải dừng lại. Bên cạnh đó là các vướng mắc về thể chế, đặc biệt là cơ chế ủy thác, tài sản nằm nhiều địa phương khác nhau… khiến việc thi hành án kéo dài.

Ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết, sắp tới sẽ rà soát đánh giá tổng thể quy định pháp luật, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án trong xử lý tài sản; có giải pháp xử lý các vụ việc giá trị lớn, trong đó có tài sản tham nhũng; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương…

Thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận được khá nhiều thông tin phản ánh về tình trạng mà báo chí cho là các địa phương ban hành văn bản ngăn sông cấm chợ theo kiểu “giấy phép con”, chỉ định các cơ sở y tế tiến hành xét nghiệm, yêu cầu người dân hạn chế đi ra khỏi nhà… Báo chí đặt vấn đề, những quy định đó liệu có phù hợp với quy định của pháp luật không, có hạn chế quyền con người, quyền công dân không?

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe nêu rõ: Từ tháng 2/2020 (khi Chính phủ công bố tình trạng dịch bệnh trên toàn quốc) đến ngày 30/8/2021, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiểm tra 165 văn bản của các địa phương ban hành có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả kiểm tra cho thấy, các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền.

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi có văn bản công bố tình trạng dịch bệnh của người có thẩm quyền, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có các biện pháp yêu cầu kiểm soát các giao dịch, lưu thông, giao tiếp ở khu vực công cộng…

"Vì thế, nhiều địa phương đã ban hành văn bản kiềm tỏa người dân, hạn chế đi lại. Một trong những hiệu quả mang lại là chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh", bà Hòe cho biết.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, thực tế có địa phương quy định “vượt quá”. Cụ thể là quy định cơ sở y tế nào ở địa phương mình sẽ được thực hiện việc xét nghiệm mà không có lý do chính đáng về việc tại sao lại chỉ định cơ sở đó; ngăn sông cấm chợ giữa các địa phương; yêu cầu có xác nhận về việc không mắc bệnh truyền nhiễm mới được phép vào địa phương…

“Qua kiểm tra, chúng tôi thấy những văn bản đó chưa có cơ sở pháp lý”, bà Nguyễn Thị Thu Hòe chỉ rõ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòe cho hay, có những văn bản vừa ban hành hôm trước, hôm sau đã thu hồi ngay, hoặc ban hành văn bản khác thay thế, nên chưa xảy ra hậu quả pháp lý. Mặc dù Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện, nhưng văn bản đã thu hồi, hoặc đã được thay thế, nên không thực hiện quy trình kiểm tra, xử lý./. 

>>Quy định mới về sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục